PGs.Ts. tâm lý học Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Để bù đắp thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ, nhiều bậc phụ huynh đang chấp nhận bỏ tiền triệu cho trẻ học các lớp kỹ năng sống, ứng xử, năng khiếu... Không thể phủ nhận lợi ích của các khóa học này. Nhưng các bậc cha mẹ nên tỉnh táo lựa chọn, để tránh nguy cơ phản tác dụng, gây hại cho trẻ”.
“Ma trận” khóa học kỹ năng
Nhận thức xã hội ngày càng cao, các bậc phụ huynh đã không còn chú trọng “nhồi nhét” kiến thức cho trẻ mỗi khi dịp hè đến, thay vào đó là các khóa học kỹ năng. Theo đó, hàng loạt các lớp học, khóa đào tạo kỹ năng với đủ các phương thức giáo dục, từ kỹ năng sống, giao tiếp - ứng xử, sinh tồn đến… kỷ luật được hình thành.
Khảo sát tại các trung tâm dạy kỹ năng tại Hà Nội, có thể thấy vô vàn những chương trình đào tạo với đủ các cấp độ, chủ đề khác nhau cho trẻ. Bên cạnh các lớp năng khiếu truyền thống như âm nhạc, võ thuật, hội họa, thể thao... thì các lớp học kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn với những cái tên rất “kêu” như: “Học kỳ quân đội”, “Tôi tài giỏi, tôi khác biệt”, “CEO nhí”... đang gây “sốt”.
Anh Phùng Minh Phong - Giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng mềm Vietkids, chia sẻ: “Các bậc phụ huynh ngày càng chú trọng đầu tư cho giáo dục kỹ năng sống cho con. Các khóa học “hot” nhất nghiêng về các kỹ năng ứng xử, giao tiếp, kỹ năng thoát hiểm, nhân ái, yếu thương... Mức học phí thì tùy vào các chương trình học, dao động từ 3 đến 15 triệu/khóa học (1 - 2 tuần)”.
Không chỉ tại các trung tâm, các khóa học online trên mạng cũng hình thành và “bung nở”. Chỉ cần gõ cụm từ “học kỹ năng sống” lên mạng, người có nhu cầu sẽ dễ dàng tìm được hàng trăm trung tâm đào tạo với những quảng cáo hấp dẫn, cùng những lời hứa hẹn “biến con bạn thành vĩ nhân”...
![]() |
Cần tỉnh táo lựa chọn lớp học kỹ năng để đem lại lợi ích lớn nhất cho trẻ
Nguy cơ phản tác dụng
Các lớp học, trung tâm đào tạo nở rộ, hình thành “mê trận”, khiến các bậc phụ huynh hoang mang, không biết phải lựa chọn sao cho đúng. Chính sự nhiễu loạn về số lượng, dẫn đến chất lượng của các lớp đào tạo cũng trở nên mù mờ. Và, nếu các bậc cha mẹ không tỉnh táo, sẽ có thể gây “tác dụng ngược” với con.
Học phí đắt “cắt cổ”, tuy nhiên chất lượng đến đâu thì chính các bậc cha mẹ cũng “đánh quả tù mù”. Chị Phạm Phương Thảo - có con học lớp 2 (7 tuổi), chia sẻ: “Hai năm trở lại đây, nhà tôi cho bé đi học kỹ năng về quản lý thời gian, kỷ luật và ứng xử. Một phần để tốt cho bé, một phần vì vợ chồng tôi bận quá. Về chất lượng thì cũng chỉ nghe giới thiệu, còn thực tế các con học gì mình cũng không nắm rõ”.
Theo thực tế hiện nay, rất nhiều trung tâm đào tạo hình thành theo “mùa vụ”, không được cấp phép, với một đội ngũ đào tạo kém chất lượng. Những khóa học với tên “hoành tráng”, học phí đắt đỏ nhưng thực tế chương trình lại nghèo nàn, đơn giản, hiệu quả thực không cao. Các hoạt động chỉ đơn giản là “đọc - nghe” thiên về lý thuyết, ít thực hành, ít tính dụng vào thực tế...
PGs.Ts. tâm lý học Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Tại nhiều trung tâm, giáo viên chỉ là “tay ngang”, nghỉ hè đi kiếm thêm, nên kỹ năng rất kém, thậm chí “làm đại” cho xong. Kỹ năng kém dẫn đến phương pháp giáo dục sai, có thể gây nhầm lẫn, gây hại cho tư duy của trẻ”.
Thậm chí, một số trung tâm có nội dung đào tạo mang tính phản giáo dục, phản văn hóa, kích động bạo lực, xuyên tạc lịch sử, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam... “Vì vậy, phụ huynh nên thận trọng, tìm hiểu kỹ khi lựa chọn lớp học, nhằm đem đến lợi ích tốt nhất cho con”, ông nói.
Học tập, bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, sinh tồn cho trẻ là cần thiết và các khóa học kỹ năng bổ sung một lượng kiến thức không nhỏ cho trẻ. Tuy nhiên, để hình thành kỹ năng sống thực sự cho trẻ, cần một quá trình dài trong cuộc sống. Và, chính cách ứng xử và hành động của gia đình, cha mẹ là “tấm gương” để con trẻ hình thành nhân cách và kỹ năng sống.
Hiến Nguyễn