Suốt những năm học cấp 2 và đầu cấp 3, trong suy nghĩ của mình, tôi không hề nghĩ tới việc sau này sẽ trở thành phóng viên. Cả gia đình tôi, bố mẹ đều là nông dân, sống tại vùng quê nghèo, nên không có định hướng nghề nghiệp gì cho con cái. Đến thời điểm 2006, 2007, khi ấy tôi đang học những năm cuối của THPT, tình cờ tôi được xem những bộ phim Việt Nam nói về nghề báo như “Phóng viên thử việc” và “Nghề báo”. Tôi yêu nghề từ đó. Nghề báo đã “quàng” vào tôi như một duyên nợ.
Nghề của nhiều nghề
Khi chuyển về Thời báo Kinh Doanh, trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ vô cùng trẻ con rằng: “Cả làng mình, cả nhà mình bao đời nay đều là thành viên của HTX, mình được vào đây làm việc thì quả là tốt vì gần gũi. Ít ra khi nói về HTX, mình cũng có biết tý chút…”.
Nhưng khi vào làm việc rồi, tôi mới biết rằng ngoài việc tuyên truyền các thông tin liên quan tới HTX, báo có rất nhiều chuyên mục mang tính thời sự, nhiều vấn chuyên mục như: Tài chính, pháp luật, bất động sản… mà những vấn đề đó, kiến thức của tôi khiêm tốn đến độ… “không biết gì”.
Nhiều lúc loay hoay với đống tài liệu, tôi tủi thân muốn khóc, tôi muốn viết, nhưng không biết diễn đạt như thế nào. Lúc đó, tôi chưa biết phân biệt các loại nguồn vốn đầu tư, không nhanh nhạy với sự biến động của thị trường, không hiểu hết được các quy định của luật đất đai… như vậy khó có thể có những bài viết bảo đảm đúng, đầy đủ, chứ chưa nói đến hay, tốt.
Hiếm nghề nào như nghề báo, mỗi bài viết, mỗi sự kiện, mỗi lần gặp gỡ… lại là một lần mới mẻ, không lần nào giống lần nào và kết quả cũng là những bài viết khác nhau.
Mỗi bài báo là một tích lũy kiến thức mới mà tôi cần tìm hiểu. Tôi bắt đầu lọ mọ với việc trau dồi kiến thức cho mình. Gặp gì không hiểu, chưa rõ, tôi hỏi tới tận cùng: hỏi người cung cấp thông tin, hỏi luật sư, các chuyên gia và những anh chị đồng nghiệp đi trước, tìm đọc qua tài liệu, mạng internet…
Dần dần, tôi biết cách khắc phục lỗ hổng kiến thức của mình, để khi nhận những kiến nghị liên quan đến lĩnh vực bất động sản, pháp luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến HTX… tôi không hoang mang, lo sợ như trước nữa.
Nghề báo không phải là tự do - thích làm gì thì làm và được đi chơi suốt ngày như một số bạn bè tôi thường nghĩ.
Gần 5 năm gắn bó với nghề, tôi hiểu rằng công việc của mình chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó gắn với những chuyến đi, những trải nghiệm. Đối với tôi, chuyến đi càng “vất vả, khó khăn”, thâm nhập thực tế càng “sâu” bao nhiêu thì khi viết bài càng “dễ viết” bấy nhiêu.
Cuối năm 2013, tôi cùng đoàn công tác, gồm các anh chị phóng viên báo, lên xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang thực hiện chương trình “Xuân ấm vùng cao”.
Lễ trao giải cho các nhà báo đoạt giải trong cuộc thi viết về HTX kiểu mới, do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức
Trăn trở sau những chuyến đi
Hai bên đường là đồi núi cao sừng sững, bám vào triền núi heo hút là các mái nhà tranh, tường đất, hoặc nhà được dựng bằng các cây rừng tạm bợ. Bao trùm lên mảnh đất đó là những khó khăn, thiếu thốn trăm bề của bà con.
Chủ tịch xã Lùng Tám lúc đó là ông Cao Xuân Nghì, ngồi cùng trên xe, chỉ về phía xa nói: “Trên này, bà con mùa này thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Cả xã chúng tôi chỉ có một hồ chứa nước. Mùa này, bà con và các cháu tắm theo tuần, theo tháng. Những thôn cao trên núi còn chưa có điện. Lương thực chủ yếu chỉ có ngô, vì không có nước nên không trồng được lúa. Thức ăn chủ yếu của mọi người là ngô bung. 2/3 dân số của xã là hộ nghèo và cận nghèo”.
Khi đoàn chúng tôi tới sân trường tiểu học xã, không khó để bắt gặp những thân hình mảnh mai đang gồng mình chống lại cái giá rét của vùng cao chỉ với manh áo phong phanh, chân không giầy, tất… nhưng nụ cười vẫn… giòn tan!
Thầy Viên Minh Khương - Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Lùng Tám lúc đó, cho biết: “Lên lớp lúc nào cũng luôn nhắc học sinh: Có bao nhiêu áo các em hãy mặc hết vào, không cần đẹp, không cần lành, chỉ cần ấm thôi”. Nhiều lúc đang giảng bài lặng người đi, ngừng lại khi nhìn xuống lớp thấy học trò ngồi co ro co rúm, các em như muốn ngồi thật sát lại truyền cho nhau chút hơi ấm”.
Hay mới đây nhất, là chuyến đi các đảo thuộc khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, thăm những người giữ mắt biển (Hải đăng). Bất kể mưa nắng, bão giông, những ngọn đèn tại các trạm hải đăng thuộc khu vực Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh vẫn rực sáng trong đêm, chưa một lần lỗi hẹn với tàu, thuyền trên biển. Đó là nhờ sự cống hiến thầm lặng, bền bỉ của những người canh gác hải đăng.
Đi rồi, tôi mới thấu hiểu cuộc sống của những người làm nhiệm vụ trên đảo khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Đường lên trạm đúng là “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”. Vậy mà ngày nào các anh trên trạm đèn cũng phải gánh các thùng phi dầu 20 lít/thùng và leo bộ khoảng 2km (địa hình đồi núi dốc ngược) từ kho hàng (dưới chân núi, lên trạm).
Hàng hóa lương thực cơ bản được đơn vị tiếp tế bằng tàu mỗi tháng một lần, rau thì tự trồng, nước thì tự hứng nước mưa để dùng. Vào mùa khô, ở đây thiếu nước ngọt trầm trọng.
Theo hồi tưởng của các công nhân, mấy năm trước ở đây không có sóng điện thoại, xa “cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ” muốn liên lạc về cũng chẳng có cách nào. Cả đảo chưa tới chục người mà toàn đàn ông, con trai, không có một hộ dân sinh sống nên… buồn lắm!!! Mỗi khi có đoàn công tác từ đất liền ra, mọi người ai cũng mừng, rì rầm nói chuyện với nhau cả đêm.
Sáng sớm, giờ khắc tàu nhổ neo - phải chia tay, những cái bắt tay thật chặt kèm những lời dặn “Đừng quên anh em trên đảo nhé!” hay “hẹn ngày trở lại!” khiến cho người xuống tàu, không dám quay lại nhìn vì nước mắt đang lăn dài trên gò má.
Thanh Vân