Tại Hội nghị Đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/7, cơ quan thuế cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành thuế đã thực hiện trên 22,6 nghìn cuộc thanh tra và kiểm tra thuế, kiến nghị xử lý thu vào NSNN 4,7 nghìn tỷ đồng (số đã nộp vào NSNN gần 2 nghìn tỷ đồng); thu hồi được 14,88 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế.
Ráo riết đòi, nợ vẫn chưa giảm
Mới đây, một loạt Cục Thuế ở các tỉnh, thành phố lớn đã công bố danh sách theo định kỳ các đơn vị nợ thuế.
Chẳng hạn, tính đến hết tháng 5/2018 trên địa bàn Tp.Hà Nội có 331 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất tháng 7/2018 với số nợ 2.485 tỷ đồng. Trong đó, có 12 đơn vị nợ thuế, phí với tổng số tiền nợ lên đến hơn 546 tỷ đồng. Đơn cử như: Công ty CP Lilama Hà Nội đang nợ khoảng 111 tỷ đồng, công ty CP Tập đoàn Điện tử công nghiệp Việt Nam nợ 80 tỷ đồng, công ty CP Cơ khí và Xây dựng nợ hơn 60 tỷ đồng…
Cục Thuế Tp.Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, đã ban hành 9.719 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với 7.700 DN nợ thuế với số tiền nợ 2.589 tỷ đồng. Ban hành 25.535 quyết định xử lý đối với các DN vi phạm hành chính thuế, với số tiền phạt là 78 tỷ đồng.
Tại Tp.HCM, tính đến hết tháng 5, tổng số DN còn nợ thuế là 1.258 đơn vị, với tổng số tiền là trên 1.550 tỷ đồng. Trong đó có nhiều DN có số nợ lên đến hàng chục tỷ đồng, như: công ty CP may Minh Hoàng nợ 70,7 tỷ đồng, công ty CP Đầu tư và Xây dựng Lâm Viên nợ 65 tỷ đồng và công ty TNHH Sản xuất giày Phú Sơn nợ 37 tỷ đồng...
Theo thông tin từ Cục Thuế Hải Phòng, tính đến hết tháng 4, đơn vị này vừa tiến hành thu được trên 250 tỷ đồng tiền nợ thuế của các DN và dự án bất động sản. Tuy nhiên, vẫn còn 127 DN chây ỳ, nợ tiền nợ thuế, viện dẫn nhiều lý do, không chấp hành nghĩa vụ với ngân sách, với số tiền trên 151 tỷ đồng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế ngoài những nguyên nhân khách quan, như: Nền kinh tế chưa thoát hẳn khó khăn khiến nhiều khoản nợ cũ vẫn chưa trả hết được; một số dự án, công trình đầu tư, xây dựng có sử dụng nguồn vốn NSNN vẫn chưa được giải ngân nên DN chậm nộp thuế… vẫn còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan đến từ DN, như: Tâm lý “chây ỳ” hay tìm mọi cách để lách thuế, trốn thuế...
“Vì vậy, việc công khai và cưỡng chế thuế là điều cần thiết”, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định.
Việc công khai và cưỡng chế thuế là điều cần thiết |
Không cắt điện, nước để cưỡng chế thuế
Trước tình trạng nợ thuế vẫn chưa giảm dù cơ quan thuế đã vào cuộc quyết liệt, thậm chí dùng nhiều biện pháp mạnh như công khai danh sách, tên tuổi các DN nợ thuế, đến việc cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế bằng hợp đồng, cưỡng chế bằng biện pháp kê khai tài khoản, bán đấu giá tài khoản kê biên; thu tiền tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ...
Tuy nhiên, trên thực tế, ngành thuế mới chỉ áp dụng được biện pháp công khai tên tuổi DN nợ thuế, các biện pháp còn lại vẫn khó thực hiện do còn nhiều bất cập và phức tạp.
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất thêm biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân trong dự Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được cơ quan này lấy ý kiến rộng rãi nhằm chấm dứt tình trạng nợ đọng thuế kéo dài, tăng thu cho NSNN.
Đáng chú ý, có một số ý kiến đề xuất, bổ sung việc cho phép ngành thuế phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn người nợ thuế, trốn thuế sinh sống áp dụng biện pháp cưỡng chế thông qua các hình thức như cắt nguồn cung cấp các dịch vụ thiết yếu: điện, nước, viễn thông…
Tuy nhiên, ý kiến này được đưa ra đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận bởi không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều người lao động.
Trả lời Thời báo Kinh Doanh đề xuất này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: “Đây chỉ là một ý kiến góp ý khi xây dựng dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi, không phải là ý kiến của ngành thuế. Hiện dự thảo luật vẫn đang lấy ý kiến của các bộ, ban ngành, chuyên gia và cả người dân trước khi được Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề xuất bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra cho cơ quan thuế, nội dung này đang được ngành thuế cân nhắc đưa vào dự thảo Luật”.
Hoàng Hà