Để chuẩn bị đón ngày kinh doanh này, dân buôn tại Hà Nội đã chuẩn bị hàng hóa từ gần một tháng nay. Với dân buôn hàng mã, hàng hóa đã được chất đầy kho. Còn với những thương lái buôn cá chép đỏ, người nào ít nhất cũng đã gom được 1 - 2 tấn, nhiều thì 4 - 5 tấn.
Bán hàng giả, kiếm tiền thật
Từ những khu chợ lớn đông đúc tới các chợ cóc, các tiểu thương đều tranh thủ những ngày này bán đồ cúng ông Công, ông Táo như: Trọn bộ quần áo, giày mũ ông Công, ông Táo, tiền vàng, hương ánh nguyệt, nến, cá chép giấy các loại..., giúp họ kiếm được không ít tiền trong những ngày cuối năm.
Chị Nguyễn Thị Thoan - một người bán đồ vàng mã tại chợ Xanh (Định Công, Hà Nội), cho biết từ đầu tháng Chạp, cửa hàng chị đã nhập đồ cúng ông Công, ông Táo. Người mua vào thời điểm đấy cũng rất rải rác, nhưng sau rằm, người tìm mua đông hơn hẳn. Mỗi ngày chị Thoan bán được 30 - 40 bộ, bao gồm cả hương nến, tiền vàng.
“Gần 3.000 bộ ông Công, ông Táo tôi nhập về từ đầu tháng đến nay chỉ còn khoảng gần 100 bộ. Tôi lo lắng đến đúng ngày 23 sẽ không còn hàng để bán. Vì thế, tôi mới đặt thêm ở cơ sở sản xuất cho 100 bộ nữa, nhưng họ không nhận, do phải làm để trả nốt số hàng đã nhận của các dân buôn khác”, chị Thoan cho hay.
Khảo sát thị trường có thể thấy giá bán trọn bộ ông Công, ông Táo dao động từ 30.000 đến 150.000 đồng/bộ tùy vào cỡ lớn, bé, thiết kế khác nhau và chất liệu giấy dầy hay mỏng.
Trong vai người mua hàng, phóng viên được chị Đào Thu Hiền - chủ cửa hàng vàng mã tại chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), giới thiệu: “Những bộ đơn giản làm từ giấy bình thường như mọi năm có giá 30.000 - 50.000 đồng/bộ. Những bộ được làm từ loại ánh vàng và ánh bạc, thiết kế tinh xảo, đẹp mắt có giá 150.000 đồng/bộ”.
Theo tiết lộ của ông Hồ Xuân Hữu - một cơ sở chuyên sản xuất hàng mã ở Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), những ngày này, gia đình ông phải tăng ca sản xuất để kịp cung cấp cho các thương nhân bán dịp ông Táo về trời.
“Năm nay, khách đặt bộ giấy ánh kim nhiều màu, viền mũ bọc chỉ cao cấp là chủ yếu, tăng gấp 3 năm ngoái, nhưng giá bán không hơn là bao. Loại đẹp khoảng 80.000 - 100.000 đồng/bộ, trừ hết chi phí lãi được khoảng 20.000 đồng. Các dân buôn nhập rẻ, nhưng bán cao gấp 3 - 4 lần, kể cả những bộ đồ lễ giản dị, chúng tôi bán 10.000 đồng/bộ, nhưng người dân phải mua từ 30.000 đến 50.000 đồng/bộ”, ông Hữu nói.
Lãi đậm nhờ cá chép đỏ
Những ngày này dân buôn cũng đang thu gom lượng lớn cá chép đỏ để phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết ông Công, ông Táo.
Ông Bùi Văn Chữ - Giám đốc HTX sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm (Cẩm Khê, Phú Thọ), cho biết: “Hiện cả làng có khoảng 30ha diện tích nuôi cá chép đỏ của hơn 200 hộ dân, với sản lượng khoảng 40 tấn. Thời điểm này, các dân buôn từ Hà Nội đã đổ về đây để thu mua. Người mua ít thì cũng 2 - 3 tấn, nhiều thì khoảng 5 - 6 tấn. Giá bán năm nay không tăng so với năm ngoái, dao động từ 120.000 - 180.000 đồng tùy vào cá to hay nhỏ”.
“Nuôi cá chép đỏ những năm gần đây không sợ ế, do nhu cầu thu mua của các dân buôn tăng theo từng năm. Vụ này, trung bình mỗi gia đình sẽ thu về khoảng 40 - 50 triệu đồng. Người nông dân như chúng tôi cả năm chỉ làm ruộng chăm chỉ lắm cũng đủ ăn. Nhờ có ao cá chép đỏ, chúng tôi mới có cái Tết đủ đầy”, anh Long - một thành viên HTX, tâm sự.
Ông Chữ cho biết, từ hai ngày trước, dân buôn đã cho xe ôtô về chở cá đi lên các thành phố để chuẩn bị cho kịp bán vào đúng ngày ông Công, ông Táo. Còn một số thương lái không có đủ thùng chứa thì gửi lại ao của thành viên, nhưng muộn nhất chiều 21 tháng Chạp, họ cũng đến bắt cá về.
Năm ngoái, thị trường cá chép đỏ đến cuối ngày 23 tháng Chạp đã “cháy hàng” khiến dân bán lẻ tiếc hùi hụi vì không nhập nhiều. Bà Dương Thị Bình - một đầu mối buôn cá tại chợ đầu mối Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết mỗi kg cá chép đỏ có khoảng 40 - 60 con, dân bán lẻ thường bán từ 25.000 đến 50.000 đồng/3 con, thu lãi 500.000 - 1.000.000 đồng.
Những người có số lượng ít, khoảng 1 - 2 tấn, cũng có vài chục triệu đồng bỏ túi. Còn những người buôn số lượng lớn có thể thu về cả trăm triệu đồng.
Thanh Hoa