Từ các con phố đến các trang mạng, từ các siêu thị, trung tâm điện máy lớn đến các cửa hàng bán lẻ (điện tử, điện lạnh, điện thoại, laptop…), hàng loạt biển hiệu, băng rôn quảng cáo, mời gọi mua trả góp "mọc lên như nấm" với thủ tục đơn giản, lãi suất hấp dẫn, xuống tới 0%.
"Láo" như quảng cáo
Những lời quảng cáo, mời gọi cực kỳ hấp dẫn, nhưng thực tế thì có đơn giản như vậy?
Câu trả lời là: Không! Để mua được một sản phẩm trả góp, NTD sẽ phải đối mặt với đủ các chiêu trò và chỉ cần một phút thiếu tỉnh táo, NTD sẽ có thể bị "móc túi".
Khảo sát tại nhiều siêu thị, cửa hàng cho mua "trả góp lãi suất 0%" trên các tuyến phố như: Xuân Thủy, Cầu Giấy, Xã Đàn, Nguyễn Thái Học (Hà Nội)… có thể thấy NTD sẽ phải gánh rất nhiều các loại "phụ phí" khi mua trả góp. Đầu tiên, giá bán của sản phẩm thường cao hơn giá bình thường từ 20 - 40%.
Anh Đặng Minh Vương (Cầu Giấy, Hà Nội), bức xúc kể: "Hồi đầu năm, thấy quảng cáo hấp dẫn quá, tôi quyết định mua trả góp chiếc điện thoại Samsung Galaxy S6 G928
Gold với giá 21,8 triệu đồng. Sau hơn 1 tháng sử dụng, tôi mới phát hiện giá bán thực chỉ hơn 19 triệu. Đến cửa hàng phản ánh thì nhân viên giải thích vòng vo, rồi bỏ hợp đồng ra lý sự. Tôi bực lắm nhưng đành chịu".
![]() |
NTD cần thận trọng trước khi ký hợp đồng mua hàng trả góp
Ngoài việc sản phẩm bị "đội giá", các sản phẩm khuyến mãi như: tai nghe, thẻ nhớ, đĩa cứng, ba lô… cũng bị "cắt". Các dịch vụ đi kèm như bảo hành có thời hạn ngắn hơn, thủ tục đổi, trả, sữa chữa cũng phức tạp hơn. Đặc biệt là phí bảo hiểm tiền vay và hàng loạt các khoản phụ phí phát sinh như: phí tư vấn, phí hồ sơ, phí chuyển hàng, phí lắp đặt, phí khấu hao… khiến nhiều NTD "ngã ngửa".
Chị Lê Chi Mai (Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), cho biết: "Tôi mua trả góp chiếc Iphone 16Gb Gold có giá niêm yết 15,6 triệu. Đúng là hợp đồng ghi lãi suất 0%, nhưng sau khi đặt cọc, hợp đồng ký xong, đến khi nhận hàng thì phát sinh hàng loạt các khoản phí. Tính ra, ngoài khoản lãi suất hơn 2 triệu (cho 12 tháng), tôi còn phải trả thêm gần 1 triệu tiền phụ phí".
Tỉnh táo né "bẫy"
Không chỉ mất tiền, nhiều NTD còn "mang tật". Một yêu cầu bắt buộc khi mua trả góp là khách hàng phải kê khai từ 2 - 5 số điện thoại của người thân. Vì vậy, khi trả chậm, ngoài khoản phí trả chậm phát sinh, nhân viên bán hàng liên tục gọi tới các số điện thoại này để nhắc nhở, thậm chí là đe dọa, gây mất danh dự của khách hàng. Rõ ràng, trong "cuộc chiến" giành quyền lợi, phía cửa hàng sẽ luôn lắm "đằng chuôi". Vì vậy, NTD cần hết sức tỉnh táo trước những "độc chiêu" mà bên bán tung ra.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) từng ra khuyến cáo NTD cần thận trọng với các rủi ro về lãi suất của dịch vụ tín dụng tiêu dùng, mua hàng trả góp. NTD khi mua hàng trả góp không chỉ cần quan tâm đến số tiền phải trả ban đầu và số lãi hàng tháng, mà cần phải quan tâm đến cả chi phí tổng thể và nguy cơ phát sinh phí phạt khi vi phạm hợp đồng.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cũng cho rằng mua hàng trả góp là thỏa thuận tự nguyện giữa bên bán và bên mua, hầu hết đều có ký kết theo hợp đồng mua bán. Vì vậy, dù biết NTD phải chịu thiệt, nhưng Hội cũng khó có thể can thiệp.
Do đó, khi quyết định mua trả góp, NTD cần đọc kỹ hợp đồng, yêu cầu nhân viên bán hàng làm rõ các khoản phí nhìn thấy và phí phát sinh. Khách hàng cũng cần cân nhắc thu nhập, các điều khoản trong hợp đồng trước khi mua hàng, để tránh vi phạm hợp đồng và bị phạt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD, cho rằng: "Các cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn hoạt động cho vay tiêu dùng, mua bán trả góp để ngăn chặn các hành vi "móc túi" khách hàng.
Nhưng để bảo vệ quyền lợi của mình, chính bản thân NTD cần thận trọng, nâng cao hiểu biết khi mua hàng, lên tiếng mạnh mẽ hơn khi quyền lợi của mình xâm phạm. Sự im lặng của NTD không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan quản lý, mà còn giúp các thành phần bất chính trục lợi.
Hiến Nguyễn