Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết số liệu tổng hợp quyết toán sơ bộ năm 2016 cho thấy, Quỹ KCB BHYT là 60.917 tỷ đồng; chi KCB: 68.507 tỷ đồng; cân đối thu chi quỹ KCB trong năm: -7.590 tỷ đồng; 51 tỉnh bội chi: 10.135 tỷ đồng.
Chỉ 4 tỉnh không bội chi quỹ
Các tỉnh bội chi lớn: Nghệ An (>900 tỷ đồng); Thanh Hóa (> 800 tỷ đồng); Quảng Nam, An Giang, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Cà Mau, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng (> 300 tỷ đồng).
12 tỉnh kết dư 2.544 tỷ đồng là Bình Dương (832 tỷ đồng), Tp.HCM (821 tỷ đồng), Đồng Nai (591 tỷ đồng). Dự kiến 20% kết dư chuyển địa phương là 509 tỷ đồng.
Báo cáo nhanh 6 tháng đầu năm 2017, cho thấy chi KCB 41.283 tỷ đồng; chiếm 59,5% quỹ được sử dụng trong năm 2017, vượt 6.500 tỷ so với dự toán chi 6 tháng của BHXH Việt Nam. Tốc độ gia tăng chi phí 6 tháng đầu năm 2017 rất lớn, bằng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ KCB BHYT cả năm của tỉnh (Quảng Nam, Quảng Trị).
Năm 2017, bội chi quỹ KCB BHYT sẽ trên 10.000 tỷ đồng
Đến ngày 28/8, con số chi đã hơn 50.0000 tỷ đồng. Vì vậy, dự kiến năm 2017, BHXH lo ngại bội chi sẽ trên 10.000 tỷ đồng. Ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi; nhiều địa phương dự kiến bội chi từ 500 - 1.000 tỷ đồng (Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà nẵng...).
Chỉ còn 4 tỉnh cân đối được quỹ KCB BHYT, là Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đăk Lăk. Những tỉnh này có mức đóng BHYT cao, nhiều công nhân lao động tham gia BHYT, nên cân đối được quỹ.
Hệ thống chính trị cần vào cuộc
Theo ông Phúc, thời gian qua, đã bàn nhiều tại sao chi KCB lại gia tăng. Có nhiều nguyên nhân được nêu lên, như: Liên quan tới cơ chế chính sách là không chi trả KCB ngoại trú tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, như tăng chuyển bệnh nhân vào nội trú. Nâng mức hưởng đối với một số nhóm đối tượng, miễn đồng chi trả khi đã tham gia 5 năm liên tục, có chi phí đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; điều chỉnh giá DVYT theo Thông tư 37 như tăng sử dụng dịch vụ KCB. Quy định về thông tuyến. Quy định về xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập. Chưa phân hạng ệnh viện tư nhân (đồng loạt xuống hạng để được KCB thông tuyến).
Riêng về chế tài xử phạt, theo ông Phúc là chưa nghiêm, chưa đủ mạnh, mới chỉ dừng ở việc sai thì xuất toán. “Một người vào siêu thị lấy đồ, bắt được thì nộp, còn không bắt được người đó vẫn lấy được. Chúng tôi không muốn so sánh nó nặng nề như vậy, nhưng Nghị định 176 quy định rõ thống kê sai, kê khống bị phạt đều có xử lý, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả”, ông Phúc ví von.
Ông Phúc cho biết, vừa qua rà soát một số địa phương, có bệnh viện khắc hẳn con dấu, có 10 xét nghiệm đều trên con dấu. Bệnh nhân nào cũng chiện con dấu đó xem như chỉ định của bác sỹ là sai quy trình KCB.
“Chưa kể việc tách dịch vụ để thanh toán, kê thêm giường bệnh… Có những bệnh viện hơn 40% chi phí cho giường bệnh... Rồi cung ứng, đấu thầu, sử dụng thuốc giá đắt, không phù hợp làm gia tăng bội chi…”, ông Phúc nói.
Để xảy ra tình trạng đó, ông Phúc cho rằng trách nhiệm không chỉ BHXH, mà còn cả của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, chính quyền địa phương và bệnh viện. Vì vậy thời gian tới, sẽ giao dự toán cho các cơ sở KCB.
“Chúng ta cần gắn trách nhiệm của UBND tỉnh, Sở Y tế, cơ sở KCB. Nếu không gắn trách nhiệm, không tính toán kỹ, sẽ không điều hành được. Không thể cứ chi đi rồi mang hoá đơn về thanh toán”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đặc biệt, đến năm 2020, do mức đóng BHYT không tăng, nên nguồn dự phòng để cân đối quỹ sẽ sử dụng hết. Dự kiến mỗi năm quỹ BHYT phải bù 10.000 tỷ đồng cho chi KCB BHYT. Vì vậy, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để tăng cường quản lý, sử dụng quỹ BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhận định vấn đề cân đối quỹ BHYT là câu chuyện cũ, nhưng luôn luôn nóng. “Tôi không trả lời được bao giờ nó nguội, các nước khác cũng vậy. Vấn đề ở chỗ, chúng ta có thời gian kêu gọi sửa đổi cơ chế chính sách, phát triển BHYT hướng tới mục tiêu bảo hiểm toàn dân. Đến ngày 28/8, BHYT toàn quốc đã bao phủ trên 84% dân số”, ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định, muốn phát triển bền vững thì thu không thôi không đủ. Chỉ dừng ở thu, “gặm nhấm chiến thắng” phát triển đối tượng thì chính sách BHYT không bền vững. Sự bền vững chỉ có được khi cân đối quỹ, phát triển quỹ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân tham gia BHYT.
Thy Lê