Phác họa bức tranh tổng thể về thực trạng XK cá tra Việt Nam trong những năm qua, ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở Việt Nam, cho biết từ năm 2000 - 2014, ngành cá tra phát triển khá nóng.
Nhiều thách thức
Tính riêng giai đoạn 2002 - 2009, trị giá XK cá tra mỗi năm tăng lên từ 2 - 3 lần. Trị giá XK cá tra chỉ bắt đầu chững lại, bão hòa từ năm 2011. Cả năm 2014, tổng trị giá XK cá tra đạt 1,7 tỷ USD. Năm 2002, giá XK cá tra ở mức 3 USD/kg, nhưng sau đó giảm dần xuống khoảng 2,33 USD/kg, thậm chí năm nay chỉ còn ở mức 2,1 USD/kg.
Một số chuyên gia cho rằng do phát triển khá nóng trong những năm gần đây, nên hiện nay ngành chế biến, XK cá tra đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm. Chất lượng sản phẩm không ổn định và thiếu đồng nhất, cùng một loại sản phẩm ở mỗi DN khác nhau, chất lượng đã khác nhau; nền sản xuất thiếu bền vững, định mức tiêu thụ ngành (như năng lượng, nước, chất thải…), chi phí sản xuất như điện, nước, thức ăn… ngày càng gia tăng.
Để nâng cao chất lượng cá tra, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của nhiều thị trường trên thế giới, thời gian qua, Chính phủ và ngành nông nghiệp đã dành nhiều quan tâm nghiên cứu, sửa đổi chính sách tạo điều kiện DN XK cá tra thuận lợi hơn trong giao thương.
Gần đây nhất, Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT soạn dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra với những sửa đổi được kỳ vọng thuận lợi hơn cho DN XK Việt Nam đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Những quy định đổi mới dự kiến sẽ ban hành này được kỳ vọng sẽ thay đổi hình ảnh về sản phẩm, chất lượng cá tra Việt Nam trên thị trường, bởi việc kết hợp thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc là một công cụ tiếp thị rất hữu hiệu cho sản phẩm.
![]() |
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng, hình ảnh cá Tra Việt Nam
Phân định rõ phân khúc thị trường
Đánh giá những thay đổi này tác động thế nào đến thị trường EU được Ts. Siegfried Bank - chuyên gia tư vấn chính sách đến từ Đức, phân tích: Trong giai đoạn 2000 - 2013, EU là thị trường NK cá tra nhiều nhất, sau đó đến Mỹ, Nhật Bản về giá trị. Về khối lượng, EU vẫn đứng đầu, sau đó là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Cá tra là loài cá thịt trắng, dễ róc xương, ít mùi tanh, giá rẻ hợp với thị hiếu của người tiêu dùng thị trường EU nên thời gian tới EU đang và tiếp tục sẽ là thị trường quan trọng đối với sản phẩm này.
Theo Ts. Siegfried Bank, vấn đề quy định tỷ lệ mạ băng của Việt Nam nhà NK EU không quá quan tâm, mà họ chỉ quan tâm đến sự minh bạch về thông tin của sản phẩm mà DN đưa ra. Một đặc điểm mà DN XK Việt Nam hay mắc phải, là không minh bạch thông tin trên sản phẩm, khiến người tiêu dùng lo lắng về chất lượng cá.
Người châu Âu không quan tâm trong cá có bao nhiêu hàm lượng nước, mà chỉ quan tâm đến khối lượng tịnh của sản phẩm. Tuy nhiên, nếu nước được bơm vào vượt quá 5% khối lượng tịnh của cá sẽ phải được ghi rõ ràng trên nhãn, điều này nhiều DN XK còn chưa làm được.
Ts. Siegfried Bank cho biết thực tế, một vài năm qua trước sức ép giá bán cá tra Việt Nam vào EU không tăng, giá thành sản xuất lại tăng do thức ăn cho cá tăng cao khiến nhiều nhà NK EU yêu cầu DN Việt Nam bơm nước vào cá để tăng trọng lượng, đảm bảo lợi nhuận cho nhà NK. Việc này ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh cá tra Việt Nam,
Nhìn chung, Ts. Siegfried Bank đánh giá cao về nỗ lực cải thiện chất lượng, hình ảnh của cá Tra Việt Nam và nhấn mạnh: “DN Việt Nam muốn trụ vững tại thị trường EU cần minh bạch thông tin chất lượng sản phẩm, không được lừa dối người tiêu dùng”.
Thu Hường