Dịch COVID-19 khiến nhiều lao động bị mất việc làm.Trong hoàn cảnh khó khăn này, việc có nên nhận bảo hiểm xã hội một lần đang là vấn đề mà nhiều người quan tâm.
Phương án nhận BHXH một lần không khả thi
Chị Nga (Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn khi doanh nghiệp của mình đóng cửa thì có nên rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hay tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
"Tính từ ngày đi làm tới nay, tôi đã tham gia BHXH được 15 năm, trong hoàn cảnh như hiện tại nếu tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì có được không", chị Nga chia sẻ.
Người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhận BHXH một lần. |
Hay anh Nam, công nhân xây dựng (TP.Hà Nội), cho biết nếu nhận BHXH một lần, số tiền này sẽ giúp anh và gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa khi về già, anh không còn nhận được lương hưu.
Chia sẻ những khó khăn mà người lao động đang gặp phải, bà Bùi Thị Kim Loan, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết NLĐ sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần.
Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng BHXH một lần gồm: sổ BHXH, đơn đề nghị hưởng BHXH một lần của NLĐ. "Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành thì NLĐ được bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện đóng tiếp BHXH cho đủ thời gian tham gia BHXH tối thiểu 20 năm thì đến khi đủ tuổi sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Do đó, nên cân nhắc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để sau này khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện sẽ được cộng dồn thời gian đã tham gia BHXH để hưởng BHXH với mức hưởng cao hơn", bà Loan chia sẻ.
Bà Loan cũng cho biết thêm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, người tham gia được chọn linh hoạt các phương thức đóng BHXH tự nguyện. Người tham gia có thể lựa chọn đóng hằng tháng; Đóng 3 tháng một lần; Đóng 6 tháng một lần; Đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Lợi ích thiết thực từ BHXH tự nguyện
Theo ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Các DN bị giảm doanh thu, buộc phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh, giảm lao động... NLĐ mất, thiếu việc làm, giảm hoặc mất thu nhập..., cuộc sống cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Đến hết tháng 9/2020, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,67 triệu người, giảm 102.000 người so với cùng kỳ năm 2019, giảm 533.000 người so với cuối năm 2019.
Ông Hùng cho biết mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (hiện nay là 700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (hiện nay là 29.800.000 đồng). Người tham gia có thể đóng BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH; đại lý thu (bưu điện và UBND xã) hoặc đóng qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, bà Kim Loan khẳng định BHXH là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm mọi công dân đều có quyền được hưởng an sinh xã hội, trong đó có quyền lợi hưởng lương hưu khi về già.
"Có người cho rằng cứ có tiền mang đi gửi tiết kiệm thì sau này sẽ được hưởng lãi suốt đời. Tuy nhiên, nếu có tiền mà tham gia BHXH tự nguyện để tuổi già hưởng lương hưu thì có lợi hơn nhiều", bà Loan chia sẻ.
Về so sánh giữa chính sách BHXH và bảo hiểm nhân thọ, đại diện BHXH Việt Nam cũng cho rằng việc so sánh 2 loại hình bảo hiểm trên là rất khó. BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, không có chuyện vỡ quỹ như thông tin nêu trước đây hoặc phá sản như doanh nghiệp.
Thy Lê