Theo công bố mới đây của Bộ Công an, hiện tại, danh mục các loại ma túy mới đã lên tới hơn 100 loại (tăng gần 50 loại so với năm 2002). Ma túy hiện là vấn nạn toàn cầu, khiến hơn 400.000 người chết/năm, 27 triệu người nghiện/năm, trở thành nguồn gốc lây nhiễm HIV/AIDS…
Cấp độ nguy hiểm gia tăng
Sự gia tăng chóng mặt của các loại ma túy từ truyền thống như thuốc phiện, heroin đến đủ loại ma túy mới, như ma túy đá, cần sa, cỏ Mỹ, thuốc lắc… đang ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến đời sống xã hội tại Việt Nam. Không chỉ tàn phá sức khỏe, kinh tế của người nghiện, ma túy đang nâng dần cấp độ nguy hiểm với con người và xã hội.
Hàng loạt các vụ thảm sát, gây chấn động dư luận liên quan đến các “con nghiện”, “ngáo đá” thời gian qua là minh chứng. Các loại ma túy mới ngày càng độc hại, tác động mạnh hơn đến hành vi của người nghiện, dẫn tới các hành vi phá hoại, tấn công, giết người...
Đại tá Phạm Văn Chình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 - Bộ Công an), cho biết: “Tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy mới tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp trong 10 năm qua. Số lượng người nghiện tăng bình quân 5 - 10%/năm. Tính đến hết năm 2015, Việt Nam có trên 200.000 người nghiện (chỉ tính riêng số “con nghiện” có hồ sơ quản lý)”.
![]() |
Hệ lụy của các loại ma túy mới ngày càng nghiêm trọng
Đáng lo là vấn nạn ma túy mới không chỉ đơn thuần gây hại cho người nghiện, mà đang tác động tiêu cực tới toàn xã hội, gây bất ổn, mất trật tự xã hội. Các vụ gây loạn, phá hoại, giết người do “con nghiện” gây ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại nặng nề đến nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi người nghiện tiêu tốn bình quân 230.000 đồng/ngày. Hiện tại, cả nước đang có 123 trung tâm cai nghiện, biên chế hơn 7.000 cán bộ, lương 3 - 4 triệu đồng/tháng, với cơ sở vật chất hàng nghìn ha. Chi phí cho việc phòng chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
“Siết” chặt pháp lý, đẩy mạnh giáo dục
Theo thống kê của Bộ Công an, độ tuổi nghiện ma túy cũng đang trẻ hóa, với trên 74% số người nghiện dưới 34 tuổi. Với mẫu mã đa dạng, màu sắc hấp dẫn, sử dụng tiện lợi, các loại ma túy mới như cần sa, cỏ Mỹ, shisha… đang ngày càng phổ biến và gây hại trong giới trẻ.
Không chỉ gia tăng về cấp độ nguy hiểm, các loại ma túy mới đang trở thành “xu hướng”, ngày càng được ngụy trang tinh vi và buôn bán công khai hơn. Các loại ma túy mới không chỉ hoành hành tại các thành phố lớn mà đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến cả các vùng nông thôn.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng C47, cho hay: “Vấn nạn ma túy mới đang diễn biến phức tạp. Ma túy mới được buôn bán dưới nhiều hình thức (nước vui, trà sữa, thuốc lá…), phương tiện, ứng dụng cả công nghệ, internet… Bộ Công an và các lực lượng chống ma túy đang hoàn thiện các quy định pháp luật với các loại ma túy mới này, đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn tội phạm ma túy”.
Cuộc chiến chống ma túy đang trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội và trước hết là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Bất cập dễ nhận thấy nhất hiện tại là các quy định pháp luật đối với các loại ma túy mới hiện nay còn chưa rõ ràng, có nhiều kẽ hở, khiến cho vấn nạn này gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý và có biện pháp hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, để ngăn chặn nạn ma túy mới, cần sự vào cuộc của cả xã hội. “Các biện pháp áp chế, mạnh tay chỉ là giải pháp tạm thời. Để ngăn chặn hoàn toàn ma túy, thì giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là giới trẻ mới là giải pháp lâu dài”, ông Nguyễn Anh Tuấn, nhấn mạnh.
Rõ ràng vai trò của giáo dục nhận thức có vai trò quan trọng. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của ma túy. Gia đình và nhà trường cũng cần quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về ma túy cho lớp trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên - đối tượng “tiềm năng” đang được tội phạm ma túy nhắm tới.
Hiến Nguyễn