Ts. Đặng Đức Đạm - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh - đánh giá, hai năm vừa qua, chúng ta đã tăng lương tối thiểu vùng liên tục và mức tăng đều trên 12%, nhưng thực chất, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu, do đó vẫn phải tiếp tục điều chỉnh để thực hiện mục tiêu đề ra.
Lương cần tiếp tục tăng
Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng đang thảo luận, xem xét tăng lương tối thiểu năm 2017. Theo lộ trình, đến đầu năm 2018, lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết hiện nay, lương tối thiểu chỉ đáp ứng 74 - 75% nhu cầu sống tối thiểu. Trong hai năm 2016, 2017, mức lương tối thiểu phải tăng khoảng 25 - 26% so với mức lương hiện tại.
Ts. Đặng Đức Anh - Ban Phân tích dự báo, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, đánh giá tiền lương tối thiểu không bảo đảm mức sống. Tiền lương rất thấp, nhưng để vào được biên chế lại cực kỳ khó. Tiền lương không đủ sống, nhưng khi đến tuổi, rất nhiều người vẫn không muốn về hưu. Nguyên do là thu nhập ngoài lương rất lớn, nhiều khoản thu nhập chưa đưa vào lương, như xe cộ, nhà ở, điện thoại… và lợi thế không phải vật chất như cơ hội học tập, uy tín…
Chi phí nhân công trong giá thành phẩm hàng Việt còn quá lớn
“Tiền lương của cán bộ công chức, viên chức rất thấp và thấp hơn khu vực SX-KD, chưa bảo đảm cho họ sống chủ yếu bằng tiền lương, thu nhập ngoài lương lớn… Đây cũng là nguyên nhân của tiêu cực, tham nhũng. Ngoài ra, thu nhập ngoài lương từ biếu xén, xin - cho, ăn chia, tạo “sân sau”, nhất là ở các ngành và vị trí gắn với con dấu và chữ ký đang có xu hướng gia tăng...”, Ts. Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Như vậy, tăng lương tối thiểu là cần thiết. Song theo Ts. Đặng Đức Đạm, việc cân nhắc mức tăng lương tối thiểu hiện nay cực kỳ khó khăn, bởi tăng lương tối thiểu có quan hệ trực tiếp với tăng trưởng kinh tế. Lương tối thiểu sẽ hiệu quả nhất nếu được xác định hài hòa giữa yếu tố đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN.
DN phải đủ khả năng chi trả
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Khoa học và Xã hội, cũng cho rằng khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu, cần phải cân nhắc các yếu tố kinh tế khác có liên quan, đặc biệt là khả năng chi trả của DN, các tác động về việc làm, thất nghiệp, thu nhập, tiền lương trước và sau khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu…
Theo báo cáo của các DN, tác động của việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu việc làm, ảnh hưởng đến bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, nếu tuân thủ các quy định của Việt Nam, tỷ lệ người chủ sử dụng lao động phải đóng các khoản an sinh xã hội rất cao, gần 31% và căn cứ đóng là mức tiền thực lĩnh, do vậy, các DN sẽ trốn đóng BHXH và các khoản chi khác để bù vào các khoản chi phí phát sinh có liên quan đến lao động.
Tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, nếu tăng tiền lương tối thiểu thực tế lên 3%, sẽ có khoảng 10.000 lao động bị giảm đóng/trốn đóng BHXH trong ngắn hạn và khoảng 30.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn. Các lao động này sẽ phải chuyển sang lao động phi chính thức, không tham gia BHXH hoặc nếu không sẽ mất việc làm. Và nếu tăng tiền lương tối thiểu thực tế lên 5%, sẽ có khoảng 17.000 lao động bị giảm đóng/trốn đóng BHXH trong ngắn hạn và khoảng 51.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn.
Vì vậy, Ts. Đặng Đức Đạm cho rằng một chính sách tiền lương tốt phải phát huy được sức sáng tạo và năng lực, hiệu quả của đội ngũ lao động, nhất là lao động có chất lượng cao…
Thực tế hiện nay, tiền lương thực tế của nước ta tăng bình quân 8%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tiền lương tối thiểu vùng tăng bình quân 12,2%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động (khoảng 4,2%/năm) đây là một nghịch lý.
Mục tiêu của chúng ta là bảo đảm an sinh xã hội, nhưng tăng trưởng kinh tế lại chậm, thiếu bền vững là do chủ yếu dựa vào vốn (52 - 53% và lao động (19 - 20%). Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh của chúng ta là thấp, vì chi phí nhân công của ta chiếm khoảng 18,3% trong giá thành phẩm, cao hơn khu vực ASEAN (16,8%).
Trong khi đó, việc tăng lương còn phải căn cứ vào thực tế tỷ lệ tăng năng suất lao động hằng năm với mức tăng trung bình hiện tại khoảng 3%/năm. Lương tối thiểu vùng tại Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, vượt tăng trưởng năng suất.
Điều này cho thấy nếu năng suất lao động tăng cao, DN sẽ tăng khả năng cạnh tranh và có khả năng để chi trả những khoản kinh phí phát sinh do tăng lương, còn NLĐ cũng bảo đảm được nhu cầu của bản thân và gia đình.
Ngoài ra, bà Hương kiến nghị, giải pháp để thay vì trả lương theo tháng như hiện nay thì nên chú trọng trả lương tối thiểu theo giờ, để đáp ứng được đặc thù của thị trường lao động và đối tượng hưởng lương tối thiểu. Nếu dùng lương tối thiểu tháng sẽ vô tình tạo bất lợi cho một số lao động mà DN chỉ có nhu cầu làm việc theo giờ.
Thy Lê