Theo quy định của UBND Tp.Hà Nội, mức thu phí trông giữ xe máy tại các khu công cộng như trường học, siêu thị, bệnh viện… là 2.000 đồng/lượt xe vào ban ngày, 3.000 đồng/lượt xe vào ban đêm. Cả ngày và đêm 4.000 đồng/lượt/xe. Trông theo tháng là 50.000 đồng/xe/tháng.
Phí gửi xe "trên trời"
Dù đã có những quy định khá rõ ràng về phí gửi xe tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, nhưng tình trạng "lạm thu" phí gửi xe cao hơn giá niêm yết tại địa phương vẫn xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM…
Anh Nguyễn Văn Minh, một "nạn nhân" của việc thu phí "trên trời", bức xúc nói: "Mình làm thêm nghề vận chuyển hàng, thường xuyên phải đi nhận và gửi hàng tại các bến xe nên phải gửi xe máy tại các điểm trông xe bên ngoài bến. Hầu hết phí gửi xe tại các bến đều cao hơn bên ngoài nhiều lần.
Ví dụ như tại bến Mỹ Đình, mỗi lần mình gửi xe mất từ 7.000 - 10.000 đồng. Có hôm chỉ gửi xe khoảng 10 phút để vào lấy hàng, khi ra lấy xe bị thu phí 15.000 đồng. Mình "tái mặt" vì tiền công của mình cũng chỉ được khoảng 40.000 đồng, nghĩa là phí gửi xe mất của mình gần nửa tiền công. Nhiều lúc bực lắm nhưng đành chịu chứ biết sao".
![]() |
Nạn "chặt chém" gửi xe đang ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân
Cũng là "nạn nhân" của việc thu phí gửi xe quá quy định, anh Nguyễn Đình Hiếu kể: "Tại một số bãi giữ xe cho viện K (đường Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chia giờ gửi xe thành 3 ca: sáng 8 - 13h, chiều từ 13 - 16h30, sau 16h30 - 18h là 1 ca nữa, mỗi ca là 5.000 đồng. Sau đó phải gửi xe vào bãi xe của bệnh viện, lại tiếp tục thu ca 1 từ 17 - 19h là 5000, sau 19h là 10.000 nữa. Vậy tiền gửi xe một ngày tại viện K có thể lên tới 20 - 25.000 đồng. Người nhà bệnh nhân phải ra vào nhiều thì đây thật sự là gánh nặng".
Tình trạng "chặt chém" phí gửi xe đang ngày càng trở nên phổ biến. Các bãi trông xe "tự quản" thường thu phí gửi xe cao hơn từ 50 - 150% giá niêm yết của các địa phương. Thậm chí, trong những dịp lễ Tết, phí gửi xe còn có thể trở thành "bão phí" khiến người dân ngã ngửa.
Điển hình như trong dịp 2/9 vừa qua, Đội Thanh tra giao thông Hoàn Kiếm đã liên tiếp nhận được những phản ánh của người dân về việc bị thu phí gửi xe máy lên tới 30.000 - 50.000 đồng/lượt gửi. Ông Nguyễn Việt Hà - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông Hoàn Kiếm, cũng đã phải lên tiếng về việc này.
Ai bảo vệ người dân?
Trước tình trạng nạn "chặt chém" phí gửi xe ngày càng khiến người dân bức xúc, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã phải nhiều lần lên tiếng để bảo vệ người dân.
Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng khẳng định "người dân có quyền lên tiếng và đòi bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình".
Theo quy định mức thu phí giữ xe trong năm 2015, với xe đạp là 1.000 đồng/lượt/xe vào ban ngày, 2.000 đồng/lượt/xe vào ban đêm, 3.000 đồng cả ngày đêm và 30.000 đồng/ lượt xe/tháng. Với xe máy là 2.000 đồng/lượt xe vào ban ngày, 3.000 đồng/lượt xe vào ban đêm. Cả ngày và đêm 4.000 đồng/lượt/xe. Trông theo tháng là 50.000 đồng/xe/tháng. Với xe ô tô, tùy từng loại xe, địa bàn gửi có mức giá khác nhau, nhưng giao động trong khoảng 20.000 - 50.000 đồng/lượt/xe.
Trường hợp bị thu phí cao hơn quy định, người tiêu dùng có thể phản ánh, khiếu nại tới các UBND tỉnh, thành phố, quận quản lý bãi gửi xe hoặc phản ánh tới Sở GTVT các tỉnh, thành phố, quản lý bãi đỗ xe; hoặc Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (số điện thoại 18006838 hoặc địa chỉ 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng như Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các địa phương.
Tuy nhiên, dù có nhiều cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người dân nhưng để không trở thành "nạn nhân", bản thân người dân hãy tự bảo vệ mình.
Hãy yêu cầu nhân viên trông xe giải thích rõ khi bị thu phí gửi xe quá cao. Yêu cầu cung cấp các thông tin về ban quản lý, đơn vị chủ quản của bãi giữ xe.
Nếu không được giải thích thỏa đáng, nhân viên trông xe dọa nạt, bất hợp tác, người dân cần tìm cách ghi lại những chứng cứ và báo ngay cho các cơ quan chức năng.
Hiến Nguyễn