Nhiều người bất ngờ khi thấy mỗi phụ nữ ở Singapore khi sinh con trong bệnh viện, trước khi ra về đều phải làm phiếu trắc nghiệm trả lời các câu hỏi như: trên đường từ viện về nhà chẳng may bé khóc mẹ phải làm gì? Hay khi di chuyển bằng ô tô, mẹ và bé ngồi ở đâu và sử dụng các thiết bị gì? Hay xe hơi nhà bạn có ghế an toàn dành riêng cho trẻ dưới 1.35m không? Các bước đảm bảo an toàn cho trẻ ngồi trên xe?... Khi trả lời được hết những câu hỏi đó, mẹ mới được bệnh viện cho xuất viện cùng con.
Chưa đến 2% trẻ em sử dụng thiết bị an toàn
Điều này cho thấy sự cẩn thận và đề cao tính an toàn cho trẻ nhỏ sau khi xuất viện cũng như ở trên xe ô tô ở Singapore ở mức độ nào. Còn tại Việt Nam, vấn đề này dường như đang bị bỏ ngỏ.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng ngừa Thương tích (CIPPR) năm 2022 tại Việt Nam, khoảng 40% trẻ em (dưới 10 tuổi) di chuyển bằng ô tô nhưng lại ngồi ghế trước, gần 23% trẻ em đi ô tô nhưng không có người lớn đi cùng. Ngoài ra, chưa đến 2% trẻ em sử dụng các thiết bị an toàn trên xe ô tô (thắt dây an toàn, ghế an toàn chuyên dụng cho trẻ nhỏ) nhưng phần lớn trong đó là đang sử dụng dây an toàn của người lớn. Điều này cho thấy sự không an toàn của trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển bằng ô tô tại Việt Nam.
![]() |
Chưa đến 2% trẻ em sử dụng các thiết bị an toàn trên xe ô tô nhưng phần lớn trong đó là đang sử dụng dây an toàn của người lớn (Ảnh minh họa). |
Thực trạng này một phần là do các cha mẹ vẫn cho con ngồi trên ô tô theo kinh nghiệm và cảm tính. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể trong bảo vệ trẻ em khi di chuyển bằng ô tô nên các gia đình Việt đều không có thêm những thông tin cụ thể để tăng tính an toàn cho con em mình trong tham gia giao thông.
Cụ thể là hiện nay, luật pháp Việt Nam chưa có các quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với các đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi và chưa quy định chiều cao cụ thể đối với trẻ em trong sử dụng thiết bị an toàn trên xe cũng như không được ngồi ghế trước xe ô tô... Chính vì vậy, chỉ những gia đình nào “tiên tiến”, có điều kiện, có người thân sống ở nước ngoài mới để ý đến việc bảo đảm an toàn cho trẻ dưới 12 tuổi khi đi xe ô tô như sử dụng nôi, ghế, đệm, dây an toàn… chuyên dụng phù hợp với chiều cao và cân nặng của trẻ.
Luật pháp phải đi trước một bước
TS. Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết việc sử dụng các thiết bị an toàn, có kiểm định giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em khi xảy ra va chạm trên xe ô tô. Vì vậy, nhiều nước đã ban hành quy định pháp luật về thiết bị an toàn. Theo báo cáo cập nhật của WHO năm 2023, có 91 quốc gia đã ban hành những quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ khi đi ô tô.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ khi đi ô tô mới chỉ được đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhưng chỉ thực hiện cho đối tượng là trẻ em dưới 4 tuổi. Điều này là chưa phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam khi nhu cầu di chuyển bằng ô tô ngày càng nhiều, điều kiện kinh tế phát triển khiến nhiều trẻ dù nhỏ tuổi nhưng chiều cao và cân nặng vượt chuẩn.
Đi liền với đó là mức độ tuân thủ luật an toàn giao thông, chủ động bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ của các bậc cha mẹ tại Việt Nam còn chưa bao phủ. Trong khi cả nước hiện đã có trên 1.800km đường cao tốc với nhiều đoạn tuyến được chạy với vận tốc lên tới 120km/h, cũng có nhiều tuyến quốc lộ được nâng cấp chạy 80-90km/h nên mức độ nguy hiểm khi di chuyển bằng ô tô sẽ cao hơn.
“Chính vì vậy, việc giới hạn sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ chỉ dừng ở 4 tuổi là chưa thực sự khả thi tại Việt Nam, chưa bảo đảm tính an toàn cho trẻ khi lưu thông bằng ô tô”, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ.
Ông Trần Hữu Minh cũng cho rằng việc học khỏi khuyến nghị của WHO về các yêu cầu tối thiểu khi xây dựng luật về sử dụng thiết bị an toàn như: Áp dụng giới hạn tối ưu cho việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ dưới 12 tuổi và dưới 150cm; hạn chế trẻ em ở độ tuổi nhất định ngồi ở ghế trước của ô tô... là điều cần thiết. Điều này vừa thể hiện sự tiện bộ trong quá trình xây dựng luật pháp, vừa không bỏ qua đối tượng trẻ em trong độ tuổi 4-12, từ đó tạo nền tảng xây dựng ý thức xã hội khi tham gia giao thông.
Một điều đáng lưu ý là các thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô chưa sẵn có ở Việt Nam mà hầu hết là phải nhập khẩu với chi phí cao, trong khi một số thiết bị có chi phí thấp thì chất lượng lại không đảm bảo. Chính vì vậy, việc tạo hành lang pháp lý trong nhập khẩu, quản lý các thiết bị an toàn như xây dựng hệ thống kiểm định với các thiết bị nhập khẩu cũng cần được quan tâm. Đi liền với đó là cần quy định cụ thể các loại xe phải áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ như xe đưa đón học sinh, xe công cộng… và có lộ trình thực hiện cụ thể thay vì quy định mỗi xe ô tô cá nhân như hiện nay.
Tùng Lâm