Tính đến tháng 7/2024 là tròn nửa năm ông Ngô Văn Ngụ ở thôn Song Hoành, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà nhận được lương hưu nhờ tham gia BHXH tự nguyện. Ông Ngụ bảo đây giống như một giấc mơ, nhờ có lương hưu, ông không còn lo ngại tuổi già, yên tâm vui vầy cùng con cháu, bà con, xóm giềng.
“Quả ngọt” từ BHXH tự nguyện
BHXH tự nguyện là một trong những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước triển khai từ năm 2008, nhằm giúp người lao động tự do có thêm điểm tựa khi tham gia mạng lưới an sinh xã hội.
Người lao động tự do khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động. Đặc biệt, khi hưởng chế độ lương hưu, người lao động sẽ có thêm một “tấm khiên” bảo vệ mình từ tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) với mức quyền lợi rất cao do quỹ BHYT chi trả.
Ngày càng nhiều lao động tự do ở Hà Tĩnh tham gia BHXH tự nguyện. |
Ông Ngụ là một trong những người lao động tự do tiên phong ở Thạch Hà tham gia BHXH tự nguyện ngay từ năm đầu chính sách này được triển khai. Điều này, theo ông Ngụ, vừa là cái duyên vừa là “bước ngoặt” cho cuộc sống sau này của ông và cả gia đình.
Cụ thể, vào năm 2008, trong một lần tình cờ nghe được buổi tuyên truyền của cán bộ BHXH địa phương, ông Ngụ về nhà suy nghĩ rồi quyết tâm gia nhập lưới an sinh. Thời điểm đó, khi BHXH tự nguyện còn mới, suy nghĩ có lương hưu với đại bộ phận lao động tự do là xa vời, vì thế quyết định của ông được cho là “lạ”.
“Việc đóng tiền rồi đợi tới 20 năm để có lương hưu là chuyện lạ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, cái ăn cái mặc còn phải thu xếp từng chút một. Nhưng vì nghĩ tới tương lai, cùng sự tư vấn nhiệt tình của cán bộ BHXH địa phương, tôi vẫn quyết định tham gia, và nay đã hái quả ngọt. Nhận lương hưu, không chỉ tôi mà cả gia đình, con cái cũng vui lây”, ông Ngụ chia sẻ.
Tham gia từ năm 2008, đến năm 2023 thì ông Ngụ đủ tuổi về hưu, đồng nghĩa ông đóng BHXH tự nguyện được 15 năm, còn thiếu 5 năm để nhận lương hưu. Ông Ngụ tìm đến cơ quan BHXH địa phương để xin tư vấn và đóng nốt 5 năm còn lại. Đến tháng 12/2023, ông nhận tháng lương hưu đầu tiên.
Nỗ lực mở rộng lưới an sinh
Cũng giống như ông Ngụ, bà Nguyễn Thị Nga ở Thôn Hương Đồng, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang đang hưởng thành quả sau quá trình dài nỗ lực theo đuổi chính sách an sinh của Nhà nước.
Bà Nga chia sẻ trước khi tham gia BHXH tự nguyện, bà làm công nhân trong một doanh nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), đến đầu năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 và doanh nghiệp gặp khó khăn nên bà phải nghỉ việc, trở về quê sinh sống.
Sau khi nghỉ việc, cũng như nhiều lao động khác, bà có ý định làm thủ tục để hưởng BHXH một lần, tuy nhiên, khi đến làm thủ tục, được nghe sự tư vấn tận tình của cán bộ BHXH địa phương, bà đã thay đổi ý định và giờ được hưởng trái ngọt.
BHXH Hà Tĩnh đang thực hiện chính sách đến từng ngõ gõ từng nhà để tuyên truyền chính sách an sinh. |
“Được nhân viên thu BHXH, BHYT tư vấn, so sánh quyền lợi giữa hưởng một lần và nhận lương hưu, tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện, nối với thời gian tôi đã tham gia BHXH trước đó để hưởng lương hưu sau này. Tháng 12/2023, tôi còn được lãnh đạo BHXH huyện Vũ Quang trao tận tay quyết định hưởng lương. Tôi rất vui mừng và yên tâm khi có thu nhập hằng tháng, có thẻ BHYT nên cũng yên tâm hơn khi có vấn đề về sức khỏe”, bà Nga chia sẻ.
Ông Ngụ, bà Nga chỉ là một trong số hàng vạn lao động tự do lựa chọn tham gia vào lưới an sinh của Nhà nước để được bảo vệ khi về già. Sau gần 16 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 58.852 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 1.461 người đã được nhận lương hưu.
Bà Trương Thị Tuyết - Trưởng phòng Truyền thông BHXH Hà Tĩnh cho biết: “Để đưa chính sách BHXH tự nguyện đến gần hơn với người dân, BHXH tỉnh đã không ngừng tuyên truyền cả về nội dung và hình thức. Qua đó, nhận thức của người dân về các chính sách BHXH tự nguyện ngày càng nâng cao. Có nhiều nơi, từ chỗ cán bộ, nhân viên thu phải đến tận nhà tuyên truyền, nay người dân đã tự tìm đến, đề nghị được tham gia”.
Để ai cũng có lương hưu
Tham gia BHXH tự nguyện, ngoài lao động tự do, còn có nhiều người từng công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng vì lý do nào đó phải nghỉ việc hoặc đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian để được hưởng lương hưu.
Phần lớn trong số họ, sau khi tìm hiểu và được viên chức, nhân viên thu BHXH cung cấp thông tin đã nhận ra việc đóng nối BHXH tự nguyện để nhận lương hưu có lợi hơn nhận BHXH một lần nên đã làm hồ sơ tham gia.
Với những kết quả tích cực trong những năm đã qua, trong năm 2024 này, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực triển khai các chiến lược nhằm mở rộng lưới an sinh, hướng đến BHXH toàn dân.
Nhằm giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong đảm bảo an sinh xã hội, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch công tác truyền thông. Trong đó, cùng với việc linh hoạt đổi mới, ứng dụng các hình thức tuyên truyền, kế hoạch cũng chú trọng các nội dung tuyên truyền; yêu cầu kết hợp hài hòa giữa truyền thông thường xuyên và truyền thông theo chủ đề, chuyên đề, chiến dịch.
Trên cơ sở tình hình thực tế, trong năm 2024, BHXH sẽ tập trung tuyên truyền các chuyên đề như: vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; những điểm mới của Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi); công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT; những nỗ lực của ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số; chuyên đề hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995-16/2/2025), BHXH Hà Tĩnh (15/6/1995-15/6/2025).
Trí Đô