Ngày 13/11, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị chấn chỉnh hoạt động đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc). Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong tháng 7/2015, số lao động Việt Nam bỏ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan là 24.133 người, tăng 852 người so với tháng 6. Tình trạng lao động bỏ hợp đồng trong năm 2015 đã gia tăng mạnh so với năm 2013 và 2014.
![]() |
Cần nâng cao ý thức và quyền lợi của người đi lao động ngoài nước
Thiệt hại cả đôi bên
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: “NLĐ bỏ trốn đồng nghĩa với việc bị mất hết sự bảo vệ của pháp luật và gặp những rủi ro nguy hiểm. Bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng xuất khẩu lao động, NLĐ sẽ trở thành lao động bất hợp pháp và không được đóng bảo hiểm. Nếu bị phát hiện chắc chắn sẽ bị trục xuất về nước, mất “cả chì lẫn chài, có thể vỡ nợ”.
Một thực tế dễ thấy, là phần lớn NLĐ sau khi bỏ trốn ra ngoài theo lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới bất hợp pháp một thời gian, đều chịu cảnh sống và làm việc chui lủi, bị bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục, bị cảnh sát địa phương bắt và giam giữ, phạt tù… rồi cuối cùng là bị dẫn độ, trục xuất về nước.
Không chỉ trực tiếp gây ra những nguy cơ cho chính NLĐ bỏ trốn, mà uy tín của thị trường lao động Việt suy giảm nghiêm trọng. Nếu tình trạng này tiếp tục gia tăng, cánh cửa đi lao động nước ngoài của NLĐ Việt sẽ khép lại. Bằng chứng là việc 2 thị trường lớn là Hàn Quốc và Hồng Kông đã dừng tiếp nhận nguồn lao động Việt Nam trong thời gian dài, làm mất đi cơ hội việc làm của rất nhiều NLĐ trong nước.
Tình trạng NLĐ bỏ trốn gia tăng cũng khiến các DNXK lao động Việt Nam và DN sử dụng lao động mang họa. Ông Ngô Quang Hải - cán bộ phụ trách đối ngoại của công ty CP May và Xuất khẩu lao động Phú Thọ, cho biết: “NLĐ đi xuất khẩu được tạo điều kiện tối đa, có thu nhập khá, nhiều trường hợp được gia hạn hợp đồng, tăng lương. Có nơi còn cho NLĐ đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng bỏ trốn vẫn gia tăng”.
“Sau mỗi sự cố lao động bỏ trốn, chủ lao động bị khách hàng phạt chậm tiến độ và phải bỏ thêm thời gian, chi phí để tuyển lao động mới thay thế, nên lập tức quay sang phạt DNXK lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng hình thức phạt tiền và cắt chỉ tiêu tiếp nhận lao động”, ông Hải nói thêm.
Để kiểm soát tình hình, Cục Quản lý và Lao động ngoài nước đã đưa ra nhiều giải pháp. Thứ nhất, chấn chỉnh và tăng cường quản lý đầu mối của DNXK lao động. Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác đào tạo lao động, bỗi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động.
Thứ ba, tổ chức kiểm tra đối với người lao động dự kiến xuất cảnh, không để lao động không đáp ứng đủ điều kiện xuất cảnh. Thứ tư, các công ty, DN phải tiến hành đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết bổ sung cho người lao động trước khi xuất cảnh. Thứ năm, kiểm soát chặt hoạt động của các công ty, DNXK lao động…
Giải pháp nào cho người lao động
Tình trạng lao động bị các DNXK tại Việt Nam “ép” phí cao (tới 7.000 USD, trong khi quy định chỉ được thu 4.000 USD/người) cũng gây cho NLĐ tâm lý phải bỏ trốn để “thu hồi vốn” khi điều kiện làm việc tại công ty, DN chủ quản không tốt. Áp lực trả khoản nợ ban đầu (chi phí để xuất cảnh) đã buộc nhiều NLĐ phải “làm liều”. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp để bảo vệ NLĐ trước nguy cơ này.
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp về pháp lý, để tình trạng được kiểm soát cần những giải pháp cụ thể hơn. Sở dĩ NLĐ bất chấp nguy hiểm bỏ trốn là vì khi ra ngoài, nếu may mắn tiền công sẽ cao hơn nhiều. Thứ hai vì đời sống và đãi ngộ cho NLĐ tại đơn vị chủ quản quá thấp. Thứ ba, thành phần “cò” môi giới có “đất” làm ăn và tổ chức lừa NLĐ. Thứ tư, do ý thức của NLĐ Việt còn chưa cao.
Vì vậy, để giải quyết vấn nạn này, cần phải có giải pháp nâng cao kiến thức, ý thức cho NLĐ nâng cao trách nhiệm với công việc của mình. Để làm được điều này, cần nâng cao điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, đảm bảo thu nhập cho NLĐ. Tăng cường quản lý, loại bỏ những đối tượng xấu, trục lợi từ NLĐ…
“Bần cùng sinh đạo tặc”, chỉ khi nào ý thức được nâng cao và quyền lợi NLĐ thực sự được bảo đảm, tình trạng bỏ trốn nơi xứ người mới chấm dứt.
Văn Nguyễn