Mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai đã tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 tại Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp huyện Mường Khương (Lào Cai).
Người lao động được đảm bảo quyền lợi
Qua giám sát cho thấy Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp huyện Mường Khương đã quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật như: Việc quản lý, sử dụng lao động; ký kết hợp đồng lao động; tiền lương, tiền thưởng; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; trích nộp bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); xây dựng, triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19...
BHXH tỉnh Lào Cai đẩy nhanh thực hiện chính sách hỗ trợ COVID-19 tới người lao động, người sử dụng lao động. |
"Đoàn đánh giá cao các chủ sử dụng lao động trong việc đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động", Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai cho biết.
Việc hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động tham gia BHXH cho người lao động rất quan trọng để đảm bảo cuộc sống an sinh. Đơn cử, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hợp tác xã, doanh nghiệp và người lao động đã nhận được hỗ trợ từ BHXH.
Theo LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 3.500 hợp tác xã, doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng trên 60 nghìn lao động thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Trong đó, có 305 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động với trên 20 nghìn lao động bị ảnh hưởng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020), 42 doanh nghiệp đã giải thể; ngoài ra còn có 14 doanh nghiệp phải thu hẹp, dừng sản xuất một bộ phận với 364 lao động bị ảnh hưởng.
Đối với các trường hợp tạm dừng hoạt động, đa số doanh nghiệp đều hỗ trợ người lao động với mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu nghỉ dịch bệnh, thời gian còn lại sẽ do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 430 hợp tác xã; trong đó, có 309 hợp tác xã đang hoạt động, 121 hợp tác xã ngừng hoạt động chờ giải thể. Tổng số lao động thường xuyên là của các hợp tác xã còn hoạt động trên 6 nghìn người.
Do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên kết quả hoạt động kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp đều giảm; đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ - du lịch, giao thông vận tải. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng nên hoạt động cầm chừng, lao động giảm giờ làm hoặc làm việc luân phiên khiến doanh thu sụt giảm; nhiều hợp tác xã đều thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 116 ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Khi triển khai Nghị quyết 116, đã có nhiều phản hồi tích cực từ người sử dụng lao động và người lao động.
Tiết kiệm 3.000 - 5.000 đồng/ngày để tham gia
Tính đến ngày 25/10, toàn tỉnh giải quyết chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 9.899 người với tổng số tiền hơn 25,2 tỷ đồng. Dự kiến có 1.358 đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022) với tổng số tiền khoảng 17,4 tỷ đồng.
Trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 10.300 lao động, đạt 76,5% kế hoạch năm, trong đó có 1.897 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm; có 66 lao động xuất cảnh làm việc tại nước ngoài…
Bên cạnh phát triển BHXH bắt buộc, BHXH tỉnh Lào Cai thực hiện nhiều chính sách tuyên truyền, hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng tiềm năng như thành viên hợp tác xã, hộ nông dân... tham gia BHXH tự nguyện.
Năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 60.710 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.258 người, số người tham gia BHYT là 708.535 người. Năm 2020 số người tham gia BHXH bắt buộc là 58.351 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 6.530 người, số người tham gia BHYT là 717.247 người, đạt 100,03% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, ước tỷ lệ bao phủ trên địa bàn tỉnh đạt 99%.
Tính đến hết tháng 8/2021, số người tham gia BHXH (gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) là 64.513 người, tương đương 14% lực lượng lao động tham gia các thành phần kinh tế; Số người tham gia BHYT toàn tỉnh là 626.026 người chiếm tỷ lệ bao phủ 82,54% dân số, giảm 15,66% thẻ BHYT, tương đương với 100.561 thẻ, 13,2% dân số so với thời điểm ngày 30/6/2021.
Với BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Lào Cai tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách nhân văn của việc tham gia BHXH tự nguyện, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Tuyên truyền về hình thức, mức đóng BHXH tự nguyện cực kỳ linh hoạt, được Nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Để tuyên truyền hiệu quả, BHXH Lào Cai nhấn mạnh, cần cụ thể về mức đóng và quyền lợi hưởng cho người lao động; nhấn mạnh mức đóng thấp nhất hiện nay (đối với hộ nghèo chỉ là 107.800 đồng/tháng, cận nghèo là 115.500 đồng/tháng, còn lại là 138.600 đồng/tháng).
Như vậy là chia bình quân chỉ cần tiết kiệm từ 3.600 - 5.000 đồng/một ngày đã có thể tham gia BHXH tự nguyện, khi đủ điều kiện sẽ được lĩnh lương hưu, được cấp thẻ BHYT trọn đời với tỷ lệ hưởng BHYT lên đến 95%.
Thy Lê