Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2017, lượng gạo tồn kho và dự trữ toàn cầu đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Các cường quốc XK gạo cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam là Thái Lan và Ấn Độ cũng đang dự kiến gia tăng sản lượng XK, lần lượt ở mức 9,5 triệu tấn và 10 triệu tấn.
Mất cân bằng cung - cầu
VFA dự báo sản lượng toàn cầu sẽ đạt mức 450 triệu tấn gạo xay xát, đẩy lượng gạo dự trữ thế giới tăng lên và vượt ngưỡng 120 triệu tấn (mức cao nhất kể từ năm 2001). Hai nước XK gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan và Ấn Độ cũng đẩy mạnh “xả hàng” dự trữ.
Đơn cử, “gã khổng lồ” XK gạo Thái Lan dự kiến sẽ xả toàn bộ hơn 8 triệu tấn gạo dự trữ trong tháng 5/2017. Mở đầu bằng đợt mở bán đấu giá hơn 2,8 triệu tấn gạo chất lượng cao vào ngày 16/2 tới. Theo dự báo của Hiệp hội XK gạo Thái Lan (TREA), năm 2017, nước này dự kiến XK trên 9,5 triệu tấn gạo, ước đạt giá trị 150 tỷ baht.
Cùng với đó, Ấn Độ cũng dự kiến XK gạo đạt mức trên 10 triệu tấn. Thế lực XK gạo mới nổi là Pakistan cũng dự kiến sẽ XK trên 4 triệu tấn. Các nước XK gạo hàng đầu thế giới như Myanmar, Brazil, Campuchia… cũng dự kiến đẩy mạnh XK, giữ thị phần trong năm 2017.
Với Việt Nam, trải qua năm 2016 đầy khó khăn khi sản lượng XK gạo chỉ đạt khoảng 4,9 triệu tấn (thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua), ngành gạo Việt cũng chỉ dự báo sản lượng XK tăng nhẹ, lên trên 5 triệu tấn trong năm 2017. Mục tiêu giải quyết hơn 443.000 tấn gạo tồn kho của năm 2016 là ưu tiên hàng đầu.
Những khó khăn từ bên ngoài cộng với những yếu kém về nội tại khiến XK gạo Việt Nam trong năm 2017 khó lại càng khó. Ngay cả Trung Quốc, thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam, cũng ngày càng khó tính. Kể từ cuối năm 2016, hàng loạt những biện pháp nhằm “siết” chất lượng gạo từ Việt Nam được phía Trung Quốc đưa ra.
Điển hình như vào cuối tháng 11/2016, Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và Kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) đã kiểm tra thực tế tại 31 DN gạo Việt Nam và cấp phép XK cho 22 DN, bắt đầu từ ngày 1/1. Trung Quốc cũng quy định không cho phép DN con sử dụng chung giấy phép XK của DN mẹ.
![]() |
XK gạo Việt sẽ cần một cuộc "cách mạng" để vượt qua khó khăn trong năm 2017
Ngoại muốn thông, nội phải vững
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các thị trường nhập khẩu (NK) ngày càng “khó tính”, đòi hỏi ngành gạo Việt phải thay đổi để thích ứng. Theo các chuyên gia, với dân số trên 90 triệu dân, thị trường nội địa là một thế mạnh của Việt Nam. Khi thị trường XK đang dần bão hòa, khai thác hiệu quả thị trường nội địa là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của ngành gạo Việt Nam năm 2017.
Ông Phạm Minh Thiện - Giám đốc công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), chia sẻ: “Thị trường nội địa hơn 90 triệu dân là nền tảng cực tốt để xử lý quan hệ cung - cầu hạt gạo. Gạo hoàn toàn có thể làm được như cá tra, khi có mặt tại hơn 150 thị trường trên thế giới. Thậm chí, gạo còn có nhiều lợi thế hơn cá tra, khi có thị trường nội địa rất mạnh hậu thuẫn”.
Theo ông Tiệp, để ổn định thị trường nội địa, ngành gạo cần hướng quyền lợi đến người nông dân thay vì trung gian hay người tiêu dùng (NTD). Đơn cử như với NTD, chi phí gạo trong bữa ăn không nhiều, vì vậy giá gạo có tăng lên gấp rưỡi cũng không tác động lớn. Vì vậy, đẩy mạnh tự do XK gạo là bước đi rất tiến bộ nhằm giảm nguồn cung trong nước, đẩy giá gạo lên cao và đem đến lợi ích cho nông dân.
Cùng quan điểm, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng: “Để chiếm lĩnh thị trường nội địa, gạo Việt phải chiếm được lòng tin của NTD. Lâu nay, thị trường nội đang bị bỏ quên, mạnh ai người đó làm khiến niềm tin NTD xuống thấp, nhiều người nghiêng về gạo ngoại. Vì vậy, mục tiêu chiến lược hiện tại cần xây dựng kế hoạch để rút ngắn khoảng cách với NTD trong nước, giữ vững “sân nhà” làm điểm tựa”.
Bên cạnh việc giữ vững thị trường nội địa, đòi hỏi nâng cao chất lượng gạo nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tăng giá trị cũng là nhiệm vụ cấp thiết của gạo Việt trong năm 2017. Ngay từ đầu năm nay, nhiều DN đã nắm bắt xu thế này và chuyển từ đầu tư lượng sang đầu tư chất, với các loại gạo có chất lượng cao như: gạo nếp, gạo thơm, gạo trắng hạt dài…
Việc chuyển hướng sang gạo chất lượng cao đang là hướng đi đúng đắn, bởi dư địa thị trường của các sản phẩm này đang rất lớn. Điển hình như gạo nếp, XK năm 2016 đạt 1,02 triệu tấn, chiếm gần 21% tỷ trọng XK toàn ngành, tăng 96% so với năm 2015. Gạo nếp cũng là loại gạo hiếm hoi (cùng với gạo Japonica) có tốc độ tăng trưởng XK trong năm 2016.
Xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, “cởi trói” cho DN XK gạo cũng là đòi hỏi cấp thiết. Đơn cử như việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo mới đây của Bộ Công Thương là động thái tích cực đem lại nhiều lợi ích cho DN trong nước.
Hiến Nguyễn