Tuy nhiên, hầu hết họ chỉ nghe quảng cáo chứ không biết thực hư tác dụng của thẻ chống virus như thế nào. Các chuyên gia khẳng định, không có thẻ chống Covid-19.
Không khó để tìm thấy những lời quảng cáo có cánh trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… về các sản phẩm thẻ đeo chống virus được giới thiệu có tác dụng làm sạch không khí, chống mốc, vi khuẩn, thậm chí là chống được Covid-19.
Theo lời quảng cáo của chủ cửa hàng từ các trang mạng, trong chiếc hộp bao gồm một chiếc thẻ và một gói kháng khuẩn hiệu quả tối đa sau khi kích hoạt và tồn tại từ 30 - 60 ngày. Thẻ đeo chống virus chứa Chlorine Dioxide (Cl02) ở dạng rắn, khuếch tán trong không gian, để ức chế sự hoạt động của virus, vi khuẩn, nấm, bụi bẩn... (trong bán kính 1m), bảo vệ hệ hô hấp và sức khỏe của con người.
Có chiếc thẻ này, người dân có thể yên tâm khi đến những nơi công cộng để phòng chống lây nhiễm cúm. Ngoài ra, thẻ đeo chống virus còn giúp kháng khuẩn, khử mùi, làm sạch không khí trước khi vào cơ thể. Không những vậy, một số người bán hàng còn bảo đảm công thức và thành phần của thẻ đã được kiểm chứng tại Nhật Bản, Nga… độ an toàn cho mọi đối tượng, kể cả trẻ nhỏ, bà bầu.
Tất cả những người bán thẻ chống virus đều có sẵn hoặc đặt hàng đều quảng cáo đây là mặt hàng được ngành y tế các nước khuyên dùng khi có dịch bệnh, làm sạch không khí xung quanh, ngăn chặn virus, tạo ra lớp màng bảo vệ ion ngăn chặn sự xâm nhập của tất cả vi khuẩn, virus có hại.
Các chuyên gia khẳng định, không có thẻ chống Covid-19 (Ảnh Internet) |
Qua khảo sát trên một số trang mạng xã hội, “thần dược thẻ chống virus” được công khai giá niêm yết từ 126.000 - 370.000 đồng/thẻ, thậm chí có thể lên đến 450.000 đồng/thẻ. Hầu hết người bán quảng cáo rằng các mặt hàng được xách tay từ Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về. Tuy thẻ chống virus chỉ bán online nhưng đa số hết hàng, nếu muốn mua sản phẩm phải gọi điện đặt trước.
Về chiêu trò này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định, "nếu sản phẩm được quảng cáo vậy chỉ có trò lừa đảo". Theo đó, đến nay, chưa có quốc gia nào công nhận loại thẻ chống virus có khả năng chống virus gây bệnh xâm nhập.
“Thẻ chống virus này không có tác dụng phòng chống Covid-19 như người bán hàng quảng cáo. Đây chỉ là những lời quảng cáo đánh vào tâm lý người tiêu dùng nhằm bán hàng, trục lợi. Người dân cần thận trọng, không nên tin vào những lời chia sẻ trên mạng xã hội để tránh “tiền mất, tật mang”- PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
Trong khi đó, đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho rằng, về nguyên tắc, không có thẻ đeo có tác dụng ngăn ngừa virus. Nếu ngăn ngừa virus bằng cách đeo khẩu trang thì có cơ sở nhất định nhưng thẻ đeo thì không có cơ sở. Đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý thị trường cần vào cuộc để xử lý hành vi buôn bán các sản phẩm tương tự.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định, không có thẻ nào phòng được Covid-19.
Để bảo đảm sức khỏe, chuyên gia khuyến cáo, người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà là biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. Đặc biệt, người dân cần rửa tay với xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày sẽ ngăn chặn virus sinh sôi và xâm nhập vào cơ thể. “Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt cao bất thường, chảy nước mũi, đau đầu, đau họng, tức ngực khó thở cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám và cách ly”- ông Phu lưu ý.
Vũ Hồng