Tại Diễn đàn Phát triển Bền vững Việt Nam 2018 diễn ra ngày 18/1, các chuyên gia đã nêu lên rất nhiều khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cho biết dù qua 30 năm đổi mới đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, GDP bình quân đầu người rất thấp, chỉ có hơn 2.300 USD, trong khi Trung Quốc đã là 8.000 USD và họ phấn đấu đến 2020 đạt 10.000 USD.
“Một đất nước hơn 1 tỷ dân mà họ đạt được như vậy. Nếu chúng ta đạt mức thu nhập ở năm 2030 là 10.000 - 12.000 USD thì khi đó, các nước họ cũng đã tăng rất nhiều. Các nước không đợi Việt Nam”, ông Dũng đánh giá.
Thu nhập thấp, có gì đáng tự hào
Đồng quan điểm, Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy vậy, GDP/đầu người thấp chứa đựng nỗi buồn nhiều hơn là niềm vui và tự hào.
Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, đang ở thời kỳ đầu của quá trình chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 của quá trình phát triển. Mỗi năm, Việt Nam đều đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng đặt ra nhưng 10 năm lại có xu hướng giảm dần. Xu hướng và nguy cơ tụt hậu ở Việt Nam là rất lớn.
Bởi vậy, ông Cung cho rằng yêu cầu thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới đã và đang là mệnh lệnh đối với hệ thống chính trị nói chung và Chính phủ nói riêng. Để đạt được mục tiêu nói trên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chúng ta phải có tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ít nhất 8 - 10% và duy trì liên tục ít nhất trong 15 - 20 năm.
Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh chúng ta vẫn đang trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, còn ý kiến khác nhau; tạo ra những nút thắt về thể chế đối với phát triển đất nước.
Trong đó, nền kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn méo mó, nửa vời. Việt Nam cứ nửa vời, không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường vì ngại cạnh tranh. Nguyên nhân là do chúng ta sợ thị trường nên bất cứ cái gì xảy ra ở nền kinh tế đều đổ cho thị trường.
![]() |
Nếu Việt Nam đạt mức thu nhập ở năm 2030 là 10.000 - 12.000 USD, khi đó các nước họ cũng đã tăng rất nhiều
Mấu chốt là thị trường
Chính vì vậy, thời gian tới, Việt Nam phải cải cách chuyển đổi thành công sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và định hướng hướng xã hội chủ nghĩa cùng với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, liên tục nâng cấp trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung, của từng ngành và địa phương phương nói riêng là hai yếu tố quyết định làm cho nền kinh tế nước ta tăng trưởng cao liên tục trong thời gian dài để trở thành con hổ mới của châu Á.
Để thực hiện tăng trưởng thịnh vượng đi đôi với bền vững môi trường trên nền tảng CMCN 4.0, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp như tiếp tục tập trung tạo dựng thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ thông suốt, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
“Tập trung chiến lược, quy hoạch phát triển theo cơ chế thị trường. Chấm dứt việc xây dựng các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hoá, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hoá, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu dùng, làm hạn chế sự tham gia thị trường các thành phần kinh tế”, Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khuyến nghị cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
DNNN phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Áp dụng thực tiễn quản trị tốt của quốc tế đối với DNNN. Đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành, CPH và bán hết phần vốn Nhà nước trong các DN mà nhà nước không cần nắm giữ. Đồng thời, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đồng thời, cần thay đổi nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là không giảm được khu vực kinh tế nhà nước, không gia tăng được khu vực kinh tế tư nhân. Hơn nữa, trong khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta không tăng được khu vực kinh tế chính thức, không chuyển được khu vực kinh tế không chính thức sang chính thức.
Ngoài ra, cần kết hợp, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy DN và các định chế Nghiên cứu và Phát triển (R&D) làm trung tâm, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, DN, tổ chức.
Phát triển các cực tăng trưởng mới với việc xây dựng ba đặc khu hành chính - kinh tế với thể chế vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát huy các cơ chế đặc thù ở Tp.HCM, Hà Nội, làm đầu tàu và tạo sự lan toả cho cải cách và phát triển.
Thy Lê