Đó là những kết luận trong hội thảo: "Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2014 tại 12 tỉnh", diễn ra sáng 26/8, tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Cuộc điều tra được tiến hành trên 3.648 hộ dân nông thôn tại 12 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Đăk Lăk, Đăk Nông, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Dưới sự phối hợp của CIEM, Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA), Viện Chính sách và Chiến lược (IPSARD) và Trường Đại học Copenhagen (UoC).
Hai năm, giảm 50% hộ nghèo
Ông Lưu Đức Khải, Trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn - CIEM, cho hay: "Kết quả điều tra năm 2014 cho thấy tỷ lệ hộ nghèo tại nông thôn ở mức 13,2%, giảm hơn một nửa so với tỷ lệ 27,1% năm 2012. Các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất (Lào Cai là 44,3% và Điện Biên là 37,3%). Các tỉnh đồng bằng như Hà Tây và Long An là hai tỉnh có tỷ lệ nghèo thấp nhất, với tỷ lệ tương ứng là 7,8% và 11,7%".
Với kết quả này, ông Khải cho rằng cần phải có những chính sách giảm nghèo tốt hơn, phù hợp hơn để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tỉnh tại vùng khác nhau trên cả nước. Vì với các hộ nghèo "kinh niên", kéo dài thì những chính sách giảm nghèo hiện tại gần như không có hiệu quả.
Theo báo cáo năm 2014, các tỉnh nghèo thường có tỷ lệ hộ dân dễ bị tổn thương (chuyển từ không nghèo sang nghèo) nhất. Điển hình như Điện Biên với 19,1% và Quảng Nam với 17,8% số hộ, không nghèo năm 2012, nhưng thành nghèo năm 2014. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng tại các tỉnh này, khi tỷ lệ các hộ thoát nghèo cũng được cải thiện tốt, với 20,6% tại Điện Biên và 25,7% tại Quảng Nam.
Ts. Lê Anh Vũ, Phó Viện trưởng, Viện Phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam), tại hội thảo, đánh giá: "Với trung bình 19% số hộ được khảo sát đã thoát nghèo chỉ trong 2 năm là một tín hiệu đáng mừng và là một thành tích ấn tượng. Tuy nhiên, cần phải có những chương trình giảm nghèo phù hợp và thiết thực hơn đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì, người nghèo tại các tỉnh này khó thoát nghèo hơn".
Tình trạng nghèo đói tại các vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều biến động. Nhưng kết quả điều tra cho thấy thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đã được cải thiện so với năm 2015. Điều này cho thấy tình trạng nghèo đói đã được giảm đi ở cả 12 tỉnh thành trong thời gian qua.
Điều kiện sống được cải thiện
Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD, cho biết: "Chất lượng nhà ở và khả năng tiếp cận dịch vụ (dịch vụ rác thải, nguồn nước sạch, sử dụng năng lượng, dịch vụ y tế) là các yếu tố để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn".
Về chất lượng nhà ở, có trung bình 87,9% các hộ có nhà ở đạt chất lượng tốt. Các tỉnh miền núi (Lai Châu, Điện Biên) tiếp tục là địa bàn có chất lượng nhà ở thấp nhất. Ngược lại, tại các tỉnh Hà Tây, Quảng Nam, Khánh Hòa gần như 100% có nhà ở chất lượng tốt. Đáng chú ý, chất lượng nhà ở có chủ hộ là nữ thường cao hơn chủ hộ là nam, với tỷ lệ 86,7% so với 76,3%.
Về khả năng tiếp cận dịch vụ, 39,69% rác thải tại nông thôn được thu gom. Có 94,7% hộ dân đã được tiếp cận với nguồn nước sạch trong sinh hoạt (năm 2012 là 91,6%).
Về tiêu thụ năng lượng, gần một nửa số hộ (46,9%) sử dụng củi và 47,6% dùng khí tự nhiên để nấu ăn. Điện và than chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong nhu cầu của người dân nông thôn. Về sức khỏe, các bệnh phổ biến nhất là: các bệnh về thần kinh, tim mạch, hô hấp, cảm sốt. Ít gặp nhất là tiêu chảy và da liễu.
Từ những kết quả điều tra, Ts. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng ILSSA, kết luận: "Dù đã có những cải thiện về tình trạng nghèo đói, điều kiện sống và an ninh lương thực, tuy nhiên, vẫn cần có những thay đổi để tăng hiệu quả của những chương trình phát triển xã hội. Thực tế vẫn cho thấy tỷ lệ nghèo đói còn cao và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội tại các vùng nông thôn vẫn rất hạn chế".
Văn Hiến