Theo AmCham, Việt Nam đang tìm cách cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận thị trường, cũng như việc hoàn chi phí đầu tư các loại thuốc tân tiến vẫn còn chậm.
Nhà đầu tư Mỹ than khó
Dẫn Nghị định 54/2017/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược.
Đại diện AmCham phân tích, Luật dược 2005 đã quy định rõ việc bảo quản dược khác với phân phối, nhập khẩu dược phải có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, thực hiện theo đúng quy định phân phối của WTO.
Ngoài ra, Luật dược 2006 cũng cụ thể hoá việc bảo quản thuốc trong kinh doanh dược. Nhờ những thay đổi tích cực này mà nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dịch vụ bảo quản thuốc và đã đầu tư hệ thống bảo quản, vận chuyển thuốc, đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp dược Việt Nam và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt, Luật dược năm 2016 nới lỏng hơn về loại hình kinh doanh bảo quản thuốc không bị giới hạn về sở hữu vốn bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều quy định trong Nghị định 54 đang mâu thuẫn với Luật dược. Trong đó, không cho các DN FDI thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm: Vận chuyển, nhận bảo quản thuốc ….
DN FDI không được đầu tư thành lập cơ sở bảo quản thuốc từ trước khi có NĐ 54 phải ngừng cung cấp dịch vụ bảo quản thuốc (cho dù có nhập khẩu thuốc hay không).
“Ngoài ra, các DN FDI có giấy phép cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo quản, giao thuốc… không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc mà phải thông qua một công ty trung gian khác, khiến giá thành đến tay người tiêu dùng bị tăng lên rất nhiều”, đại diện AmCham nói.
Đồng tình với quan điểm của AmCham, Gs.TsKH Nguyễn Mại cho rằng: “Nghị định 54 và Luật dược thì rất hay, nhưng đi vào thực hiện lại xảy ra những bất cập gây cản trở cho DN”.
Theo ông Mại, bất cập ở chỗ Nghị định chỉ nên giải thích những điều cần thiết thôi chứ không cần quy định nội dung chi tiết. Thực tế, như AmCham phát biểu, cái gì không đưa vào luật thì đưa vào nghị định, cái không đưa được vào nghị định, luật thì sẽ đưa vào thông tư”.
Có thể nói, thời gian qua, việc thiếu nguồn cung các loại thuốc đã dẫn đến tình trạng khan hiếm, không đủ nguồn cung để phục vụ nhu cầu người dân. Điển hình, tình trạng thiếu vắc-xin trong mấy năm qua đã gây bức xúc trong dư luận.
![]() |
Chiều 11/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ công bố và chuyển giao giống virus lở mồm long móng cho các doanh nghiệp dùng để sản xuất vaccin.
Người dân phải gánh
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội, cho rằng những bất cập trong chính sách sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu đô la và làm gián đoạn việc cung cấp hàng ngàn loại thuốc cần thiết cho người dân.
“Những phát sinh này chắc chắn doanh nghiệp sẽ không “gánh” mà sẽ “đổ lên vai” người tiêu dùng. Chi phí trên mỗi đơn giá thuốc sẽ tăng. Giá thuốc tăng sẽ làm giảm khả năng chi trả cho các sản phẩm thuốc của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp”, ông Adam Sitkoff nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc sẽ phải đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản mới và đầu tư nhân lực để tự vận hành hệ thống kho bảo quản đó. Từ đó dẫn đến phát sinh lãng phí và thiếu hiệu quả do không đạt quy mô tối thiểu để hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia lo ngại là chất lượng thuốc có thể không được đảm bảo do việc bảo quản thuốc sẽ không phải do các đơn vị chuyên nghiệp đảm nhận mà do các doanh nghiệp nhập khẩu tự thực hiện.
Theo ông Mại, việc sửa đổi các quy định này sẽ tạo cơ hội gia tăng đáng kể các dự án đầu tư cho các loại thuốc, vắc-xin và các sản phẩm khác, giúp giảm giá thành sản phẩm để người nghèo cũng có thể dễ dàng tiếp cận thuốc hơn.
Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghệ 4.0, vì vậy cần chuyên nghiệp hoá các ngành dịch vụ để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu chi phí đầu tư. Theo đó, việc thu hút các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp và hiện đại trong lĩnh vực dược là rất cần thiết.
“Nếu để DN FDI được bảo quản thuốc sẽ giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống vận chuyển và bảo quản chuyên nghiệp và hiện đại”, AmCham nêu quan điểm.
Thanh Hoa