Chị Phương Lan (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết thông thường khi đi mua bán hàng hóa chị rất ít quan tâm tới việc có hay không có hóa đơn. “Nếu cửa hàng xuất hóa đơn thì tôi lấy, còn không có tôi cũng không quan tâm lắm về chuyện có hay không có hóa đơn”.
Người bán quên,người dùng thờ ơ
Không riêng chị Lan, rất nhiều người tiêu dùng (NTD) hiện nay chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc lấy hóa đơn khi mua hàng, trong khi phía bán hàng “cố tình” lờ xuất hóa đơn để trốn thuế.
Chị Hoàng Anh (Đê La Thành, Hà Nội), chia sẻ thông thường chỉ khi giao dịch mua hàng tại siêu thị, chị mới nhận được hóa đơn. Còn khi mua tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, rất ít khi chị nhận được hóa đơn sau khi thanh toán tiền, dù đôi khi số tiền phải thanh toán lên tới vài triệu đồng.
“Có lần mua quần áo tại một shop thời trang, do không cẩn thận, tôi mua phải một chiếc váy bị rách. Khi tới để đổi hàng, tôi bị cửa hàng này chối vì họ nói đó không phải hàng của họ”, chị Anh chia sẻ.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương), hóa đơn (hóa đơn VAT, hóa đơn đỏ) không chỉ là tài liệu thể hiện giá của sản phẩm/dịch vụ, mà còn là tài liệu nhằm ghi nhận doanh số giao dịch của DN và là bằng chứng chứng minh NTD đã mua hàng hóa của người bán.
Trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa NTD và bên bán, hóa đơn là một bằng chứng quan trọng, ràng buộc trách nhiệm của bên bán đối với bên mua.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào người bán cũng cung cấp hóa đơn cho NTD. Đồng thời, một số NTD thường không có thói quen yêu cầu cung cấp, hoặc thậm chí không lưu trữ hóa đơn khi được cung cấp. Điều này đã gây ra rất nhiều bất lợi cho NTD trong trường hợp cần bảo hành, khiếu nại, giải quyết tranh chấp (không có bằng chứng giao dịch)...
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khiếu nại, NTD có thể bị từ chối. Điều này cũng gây ra khó khăn cho cơ quan bảo vệ NTD trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, đặc biệt là trong các vụ việc về bảo hành đồ điện tử, các vấn đề về thực phẩm…
Đáng chú ý, hành vi không cung cấp hóa đơn của người bán góp phần làm giảm tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; làm Nhà nước thất thu thuế.
![]() |
Không lấy hóa đơn khi mua hàng, NTD đang đánh mất quyền lợi của mình
Người dùng “thiệt đơn thiệt kép”
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho biết, như trường hợp của NTD mua tủ lạnh tại siêu thị điện máy. Nhân viên siêu thị chỉ cung cấp cho NTD hướng dẫn sử dụng sau khi mua hàng. Sau khi dùng được 2 tháng (trong thời hạn bảo hành), tủ lạnh bị hỏng. Khi liên lạc với siêu thị điện máy, NTD bị từ chối bảo hành, với lý do sản phẩm này không liên quan đến siêu thị.
NTD trên về tìm lại hóa đơn và phiếu bảo hành thì mới phát hiện ra lúc mua hàng, nhân viên không hề cung cấp các tài liệu trên.
Hay một NTD mua hàng tại siêu thị, khi thanh toán, nhân viên siêu thị có cung cấp biên lai hàng và hướng dẫn NTD liên hệ phòng tài chính để lấy hóa đơn. Tuy nhiên, do nghĩ rằng không cần thiết, nên NTD đã xé bỏ biên lai và không lấy hóa đơn.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho biết, có trường hợp NTD phản ánh và xin tư vấn về việc đi ăn tối tại nhà hàng. Khi thanh toán, nhà hàng chỉ xuất biên lai cho NTD (trong đó đã có 10% thuế VAT). NTD hỏi nhà hàng về việc nếu không lấy hóa đơn đỏ thì có được trừ 10% thuế VAT không. Nhà hàng cho biết trong mọi trường hợp, NTD luôn phải thanh toán cả tiền thuế, kể cả không lấy hóa đơn.
Như vậy, nếu như NTD không lấy hóa đơn, nhà hàng hoàn toàn có thể không xuất hóa đơn. Phần tiền thuế 10%, do đó, sẽ không được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Vì vậy, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, muốn thay đổi phải xuất phát từ chính NTD. NTD có thói quen không lấy hóa đơn vì nhiều lý do, như: Chỉ lấy hóa đơn khi mua vật dụng cho cơ quan, không lấy hóa đơn khi mua cho bản thân, gia đình; bất tiện khi lấy hóa đơn (khi đi ăn, đi đổ xăng, mua thực phẩm…); phải nộp thêm 10% thuế VAT…
Tuy nhiên, NTD cần biết rằng hóa đơn là quyền lợi để được hưởng những chính sách sau bán hàng và là bằng chứng đầu tiên trong giải quyết khiếu nại.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình, NTD khi mua hàng cần rà soát các tài liệu kèm theo hàng hóa xem đã bao gồm hóa đơn chưa. Nếu chưa có, yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn. Sau khi mua hàng, lưu giữ hóa đơn trong suốt vòng đời sản phẩm, hoặc ít nhất là đến hết thời hạn bảo hành.
Thy Lê