Sản xuất nông nghiệp là hoạt động kinh tế chủ đạo của huyện Ba Bể. Chính vì vậy, muốn nang cao thu nhập, giúp người dân giảm nghèo, sản xuất hàng hóa thành công thì phát triển theo chuỗi giá trị là điều cần làm.
Phát triển sản phẩm đặc trưng
Đến nay, Ba Bể đã có một số sản phẩm nông sản đã có thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng biết đến như: bí xanh thơm, lạp sườn gác bếp, chè tuyết, tép chua, thịt chua, mắc mật sấy khô, miến dong, măng khô, phở khô, rượu men lá, tinh bột nghệ….
Để các sản phẩm này phát triển, trở thành hàng hóa có thương hiệu, Ba Bể đã chú trọng phát triển các HTX để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Tiêu biểu là HTX Hoàng Huynh đã chú trọng chế biến sâu bằng việc đầu tư máy móc phát triển sản phẩm thịt trâu sấy khô, mắc mật sấy khô, chuối sấy khô, chè giảo cổ lam… Không chỉ bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm thịt trâu khô của HTX còn đạt chứng nhận OCOP.
Trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ trên thị trường 1-1,4 tấn nông sản sấy khô.Để làm được điều đó, ngoài đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ, HTX còn liên kết với người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nông sản của người dân được HTX thu mua với giá hợp lý phục vụ chế biến nên người dân hoàn toàn yên tâm về vấn đề đầu ra. Hiện nay, HTX còn xây dựng của hàng nông sản sạch, lượng nông sản tiêu thụ cho người dân vì vậy cũng tăng gấp nhiều lần so với trước.
Không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho thành viên, HTX còn giúp người dân phát triển kinh tế ổn định, từ đó giúp họ từng bước nâng cao thu nhập, thoát nghèo nhanh và bền vững.
Tại Tổ hợp tác (THT) bí xanh thơm Địa Linh, các thành viên đang tập trung phát triển giống bí xanh bản địa là đặc sản nổi tiếng của Bắc Kạn. Đây là loại bí rất ngon, thơm vị đặc trưng, để bảo đảm chất lượng, THT đã ứng dụng kỹ thuạt vào sản xuất nhưng vẫn duy trì cách sử dụng nước suối để tưới cho 4 ha bí. THT cũng đứng ra thu mua, tìm đầu ra ổn định cho 30 thành viên.
![]() |
Bí xanh của THT Địa Linh |
Điểm đặc biệt là các thành viên của HTX đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Tất cả đều đoàn kết, chăm chỉ làm ăn và luôn nung nấu ý chí thoát nghèo. Với diện tích 4ha, mỗi vụ trồng bí, THT thu được khoảng 160 tấn quả. Các thành viên đã có thu nhập ổn định, thoát được nghèo nhờ tham gia THT.
Có thể thấy, mô hình kinh tế tập thể là nền tảng vững chắc để địa phương thực hiện phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản. Hiện một số sản phẩm đã được công nhận OCOP như: rau bồ khai của HTX Sang Hà, xã Cao Trĩ; Trà Lê Hà của HTX chè Mỹ Phương; bí xanh thơm của Tổ hợp tác bí xanh thơm Địa Linh và hồng không hạt của HTX Đồng Lợi xã Quảng Khê… Những sản phẩm này không chỉ là minh chứng cho sự phát triển của các HTX, THT mà còn là sản phẩm giúp người dân thoát nghèo hiệu quả.
Nhờ đẩy mạnh phát triển các HTX, hỗ trợ người dân bằng nhiều hình thức như: vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ kỹ thuật, cùng địa phương HTX xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, chính vì vậy, Ba Bể đã phát triển được các vùng hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và phục vụ thị trường.
Phát triển vùng chuyên canh
Đến nay, huyện đang phát triển mạnh một số cây trồng chủ đạo của địa phương như hồng không hạt, mận, cam, quýt, các cây công nghiệp như cây chè, cây hồi, cây lâm nghiệp như cây mỡ, cây thông, cây keo, cây trúc. Riêng cây hồng không hạt, huyện đã trồng được gần 300 ha.
Đặc biệt từ khi huyện nằm trong dự án quy hoạch vùng sản xuất cây hồng không hạt, huyện đã phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh và Viện Nghiên cứu Rau quả Hà Nội thường xuyên tập huấn kỹ thuật, cung cấp cây hồng không hạt giống cho người dân. Trung bình mỗi năm huyện cải tạo và trồng mới từ 20 – 30ha hồng không hạt. Diện tích trồng hồng ban đầu chỉ tập trung ở một số xã như Hà Hiệu, Bành Trạch, Địa Linh, Khang Ninh, nay mở rộng đến các xã Cao Trĩ, Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ…
Theo người dân ở xã Quảng Khê, cây hồng không hạt rất dễ trồng và không mất nhiều chi phí, công chăm bón lại được về giá thành. Cây hồng trồng từ năm thứ 3-4 đã bắt đầu cho thu hoạch với 1ha trồng hồng các hộ gia đình thu về gần 20 triệu đồng. Năm thứ 4-5, 1ha hồng cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Chu kỳ thu hoạch cây hồng không hạt trên 20 năm trở lên. Qua đó đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân.
Bên cạnh cây hồng không hạt, địa phương có thế mạnh để phát triển cây chè tại các xã phía nam như Mỹ Phương, Chu Hương, huyện đã tập trung hỗ trợ các nguồn vốn để người dân cải tạo trồng mới và thành lập các HTX chuyên trồng và chế biến chè sạch đang mang lại nguồn thu không nhỏ cho bà con nông dân.
Cùng với đó, các diện tích trồng cây ăn quả như cây cam, quýt, mận đang được triển khai nhiều tại các xã Yến Dương, Cao Trĩ. Nhiều người dân đã có thu nhập cao từ cây quýt như thôn Nà Viễn, xã Yến Dương có mô hình trồng quýt tập trung của hộ chị Nông Thị Thúy với hơn 100 cây quýt, được Viện nghiên cứu rau quả hỗ trợ giống, phân bón năm đầu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, gia đình chị Thúy đã tích cực chăm sóc, bảo vệ, áp dụng khoa học kỹ thuật đúng cách nên cây quýt phát triển tốt, mỗi vụ thu về hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Ba Bể còn phát triển mạnh về bí xanh thơm, chuối tây tại các xã Địa Linh, Mỹ Phương, Yến Dương. Khác với nhiều loại cây trồng, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ hoặc bị ép giá, bí xanh thơm và chuối tây ở Ba Bể không những cho năng suất cao mà người dân còn hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.
Theo các tiểu thương thu mua chuối, cây chuối tây cho thu nhập quanh năm, vì vậy ngày nào bà con ở đây cũng có chuối để bán ra thị trường. Sẽ khó thống kê, mỗi năm người dân Ba Bể có thu nhập bao nhiêu từ trồng chuối. Tuy nhiên, với sức tiêu thụ như hiện nay, cây chuối thực sự đã mở ra một hướng phát triển kinh tế cho thu nhập cao với người nông dân.
Huyền Trang