Người tham gia BHYT được khám chữa bệnh cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh nào |
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Văn bản 4996/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân về việc triển khai thực hiện một số nội dung theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
Theo đó, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
Trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh: Xuất trình thẻ BHYT và một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận do công an cấp xã (có dán ảnh, đóng dấu giáp lai) hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi quản lý học sinh, sinh viên (có dán ảnh, đóng dấu giáp lai) hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.
Trường hợp thẻ BHYT có dán ảnh: Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn cấp thẻ BHYT điện tử, cơ quan BHXH hướng dẫn người tham gia nộp 2 ảnh (kích thước 2x3 cm), 1 ảnh dán vào vị trí quy định trên thẻ BHYT (có đóng dấu nổi thu nhỏ giáp lai của cơ quan BHXH giữa ảnh với thẻ BHYT); 1 ảnh lưu cùng hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT (chỉ thực hiện khi người tham gia BHYT chưa có các giấy tờ tùy thân).
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi khi đến khám chữa bệnh sử dụng bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh thay thẻ BHYT, BHXH các tỉnh đề nghị cơ sở khám chữa bệnh tra cứu trên Cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT để xác định trẻ đã được hay chưa được cấp thẻ BHYT.
Trường hợp tra cứu trên Cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT xác định trẻ đã được phát hành thẻ BHYT thì giải quyết hưởng BHYT căn cứ số thẻ BHYT và nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ghi trên thẻ BHYT của trẻ. Chỉ sử dụng bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh thay thẻ BHYT khi chưa được cấp thẻ BHYT.
Trường hợp Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2018 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đến hết đợt điều trị đó.
Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh khi ra viện các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH.
Người tham gia BHYT trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT và phải xuất trình các giấy tờ quy định và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp): Giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.
Nếu trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH cần sao chụp thẻ BHYT, các giấy tờ liên quan đến khám, chữa bệnh của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị BHXH tỉnh chủ động thực hiện việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT, về những nội dung mới của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP tới các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT tại địa phương; báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh giao cho cơ quan, tổ chức mua tủ thuốc, thuốc, vật tư y tế cho người tham gia BHYT làm việc trên tàu đánh bắt xa bờ.
Trần Minh