Tại hội thảo quốc tế Phát triển nông nghiệp bền vững trong hội nhập ASEAN diễn ra ngày 15/9, ông Trịnh Ngọc Thái - Phó Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và phát triển, nhận định, hội nhập kinh tế nói chung và hội nhập kinh tế ASEAN nói riêng đã mang lại những lợi ích và cơ hội đáng kể cho nền nông nghiệp Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN nói chung.
Tuy nhiên, hội nhập cũng sẽ đặt ra những khó khăn, thách thức ngày càng lớn và người nông dân nằm trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cạnh tranh với các đối thủ lớn
Phân tích những tác động của việc Việt Nam gia nhập AEC, ông Đặng Kim Khôi - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), cho biết, chúng ta đã và đang thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan. Năm 2015 trong tổng số 1.539 dòng thuế nông sản và thủy sản có 1.434 dòng thuế về mức 0%; 123 dòng thuế ở mức 5% hoặc chưa cam kết cắt giảm. Năm 2018 còn 55 dòng thuế giữ ở mức 5% (cà phê Arabica, đường củ cải phải giảm xuống 0%) và tiếp tục duy trì 34 dòng thuế chưa cam kết cắt giảm.
Với lâm sản và đồ gỗ, có 149 dòng thuế phần lớn đã giảm xuống mức 0%, chỉ còn 9 dòng sản phẩm đồ gỗ và nội thất là duy trì ở mức 5% năm 2015 và toàn bộ về 0% năm 2018.
Các mặt hàng đang áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) như đường, trứng, muối và thuốc lá sẽ phải bỏ hạn ngạch trong ASEAN từ 2018 và sẽ áp dụng mức thuế suất 0 - 5%.
![]() |
Mía đường, ngành hàng được coi là sẽ gặp phải bất lợi lớn
Việc cắt giảm hạn ngạch thuế quan tạo cơ hội cho việc tăng XK gạo sang Philippines, Malaysia, Indonesia; rau quả sang Campuchia, Myanmar… Tuy nhiên, bên cạnh đó, cắt giảm thuế quan cũng tạo sức ép cạnh tranh với nông lâm thủy sản NK đến từ Thái Lan, Lào… đặc biệt là những ngành hàng nhạy cảm như trứng, muối, đường, kéo theo nguy cơ thu hẹp sản xuất. Ngoài ra, còn tăng cạnh tranh đối với các đối thủ lớn trong XK gạo, rau quả, thủy sản.
Cụ thể với một số mặt hàng chủ lực, ông Khôi cho biết, hồ tiêu và cà phê là mặt hàng có lợi thế khi việt Nam hội nhập sâu AEC. Tham gia hội nhập sâu vào AEC, hồ tiêu là một trong những mặt hàng có cơ hội thúc đẩy XK khi nhu cầu tiêu thụ còn lớn.
Hồ tiêu Việt Nam xuất sang nhiều thị trường lớn trong AEC, với thị phần Malaysia (44%), Singapore (48%) và Indonesia (93%). Cà phê cũng là ưu thế của Việt Nam trong giao thương với các nước ASEAN. 21% lượng cà phê NK từ thị trường này đến từ Việt Nam. Cà phê Việt chiếm 42,3% tại Thái Lan, 24% tại Malaysia và 25,7% tại Indonesia.
Với sản phẩm NK, hiện Việt Nam NK gỗ nguyên liệu chủ yếu từ Lào và Campuchia, chiếm trên 49% tổng kim ngạch NK. Bất cập là gỗ từ các thị trường này phần nhiều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được công nhận tính hợp pháp. Điều này khiến sản phẩm gỗ XK của Việt Nam gặp khó khăn.
Rau quả, mía đường, bất lợi lớn
Hội nhập sâu AEC vừa mang đến cơ hội cho một số mặt hàng nông sản chính nhưng cũng đem đến không ít thách thức. Nhiều mặt hàng gặp bất lợi. Sản phẩm chủ lực là gạo được đánh giá ở mức bất lợi trung bình.
Thị trường XK chủ lực của Việt Nam trong AEC chủ yếu là Philippines (56%), Malaysia (20%) và Indonesia (14%). Thời gian qua, trong khi XK gạo sang các thị trường này được đánh giá không có nhiều thay đổi, thì Việt Nam lại ngày càng nhập nhiều gạo từ AEC.
Mặc dù khối lượng NK gạo không lớn, chủ yếu từ Thái Lan, Philippines và Lào, nhưng đa phần là gạo chất lượng cao, nên giá trị NK cũng gia tăng đáng kể.
Trong 5 năm kể từ năm 2000 - 2014, tổng kim ngạch NK gạo từ AEC là 6,9 triệu USD, tăng 25,4%/năm. Xu hướng này đang ngày càng có chiều hướng tăng lên, tạo áp lực cạnh tranh gay gắt với gạo trong nước.
Ngành hàng sẽ gặp phải bất lợi lớn là mía đường và rau quả. Theo Ts. Đặng Kim Khôi, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan. Đây là quốc gia XK chính sản phẩm mía đường sang Việt Nam với kim ngạch XK năm 2014 vào nước ta đạt 29,8 triệu USD. Theo cam kết mở cửa trong ASEAN, đến năm 2018, thuế NK mía đường sẽ giảm từ 80 - 85% xuống còn 5% (thuế ngoài hạn ngạch).
Điều này sẽ khiến đường ngoại ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Mặt khác, giá mía nguyên liệu chiếm 70 - 80% giá thành sản xuất đường, trong khi đó, giá mua mía nguyên liệu của Việt Nam đắt hơn Thái Lan từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Đây là bất lợi lớn khiến mía đường Việt Nam khó cạnh tranh khi gia nhập AEC.
Rau quả cũng là mặt hàng được điểm mặt trong danh sách những sản phẩm bất lợi lớn khi Việt Nam gia nhập AEC. Thái Lan, Myanmar là những nước nằm trong “top” 10 nước XK rau quả lớn nhất vào Việt Nam. Trên 99% sản phẩm Việt Nam NK rau quả từ Myanmar là rau (HS.07).
Đối với Thái Lan, 96% sản phẩm NK là quả (HS 08), chủ yếu gồm ổi, xoài và măng cụt, chiếm 83% tổng kim ngạch NK các loại quả. Với ưu thế về chất lượng, sự phong phú chủng loại, khi thuế quan không còn là rào cản, rau quả NK sẽ tràn ngập thị trường và cạnh tranh mạnh với hàng nội địa.
Thu Hường