Nếu trước khi dịch bệnh xảy ra, người lao động trong lĩnh vực hàng không, du lịch được xếp vào trong những ngành có mức thưởng Tết khá cao thì nay, mọi thứ đã đảo ngược.
Muôn hình vạn trạng thưởng Tết
Anh Hoàng Minh, tiếp viên hàng không (Long Biên, TP.Hà Nội), lo lắng năm nay có thể lại một năm nữa không được thưởng Tết. "Lương bình thường cũng giảm hơn 50% nên Tết mà không có thưởng thì đúng là đời sống khá khó khăn, trong khi trước khi COVID-19 xảy ra, thu nhập tháng cuối năm lên tới cả trăm triệu đồng", anh cho biết.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang tính toán về mức thưởng Tết năm nay. |
Đến thời điểm này các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways... vẫn chưa công bố thông tin về kế hoạch thưởng Tết.
Trong khi đó, tình hình này cũng không khá khẩm hơn với ngành du lịch. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, cho biết hoạt động du lịch "đóng băng", doanh nghiệp (DN) vẫn đang giảm tới hơn 90% doanh thu. Nhân sự hiện tại của DN chỉ còn hơn 40%, hưởng mức lương cơ bản.
Vì vậy, thưởng Tết năm nay để nói là rôm rả quả là điều xa xỉ với người lao động làm trong ngành du lịch hay hàng không.
Tuy nhiên, với các ngành hàng như sản xuất, thực phẩm, phân phối bán lẻ hay bất động sản... nhiều DN cho biết mức thưởng Tết năm nay cố gắng đảm bảo ít nhất một tháng lương cho người lao động.
Cho rằng thời điểm này để nói về thưởng Tết là hơi sớm, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10, lý giải con số còn có thể thay đổi tùy tình hình sản xuất, kinh doanh.
Về May 10, DN này cho biết cũng đã có kế hoạch sơ bộ về Thưởng Tết. Ông Việt tiết lộ năm nay khả năng mỗi công nhân sẽ nhận được trung bình thưởng Tết là 1,5 tháng lương. "Thưởng Tết năm nay có thể bằng năm ngoái, chưa kể tổng thu nhập của người lao động sẽ tăng do tổng quỹ lương của May 10 tăng trên 8%", ông Việt nói May 10 có khoảng 12 nghìn người lao động thuộc trên 18 nhà máy, xí nghiệp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Trong khi đó, chia sẻ với VnBusiness, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), cho hay DN này sẽ tính toán thưởng Tết dựa vào chỉ tiêu KPI (chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của từng phòng ban, nhân sự).
Ví dụ như Phòng Kinh doanh, nếu đạt được mục tiêu mở 1.000 điểm bán trong năm nay sẽ được thưởng nóng 500 triệu đồng, hay phòng thu mà đạt mục tiêu cũng được thưởng tương tự. Còn đối với nhân sự sẽ được thưởng 1 tháng lương tổng thu nhập cộng thêm tháng lương thứ 13. Với các vị trí quản lý như giám đốc trở lên sẽ được thưởng thêm phần trăm doanh thu.
Doanh nghiệp đang tính toán
Bà Hằng cho hay: Kết thúc năm 2021, DN sẽ dùng chỉ số KPI để đánh giá hiệu quả làm việc để tính toán mức thưởng Tết cho công bằng. Chúng ta không cân đo nhau bằng thời gian làm việc nhiều hay ít mà là hiệu quả làm việc.
Trong khi đó, với ngành thủy sản, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP. Đà Nẵng), cho hay thưởng Tết nhưng nhiều hay ít tuỳ theo kết quả kinh doanh. Bởi năm nay, chi phí sản xuất tốn kém gần như đã làm mòn lợi nhuận DN.
"Nếu như bằng giờ năm trước, DN đã dự đoán được doanh thu, lợi nhuận. Nay, hết quý III, chúng tôi vẫn khá hoang mang do nhiều khó khăn còn đè nặng", ông nói.
Ông Lĩnh dự báo năm nay khả năng sẽ không có thưởng Tết rôm rả, song DN vẫn cố gắng có thưởng cho người lao động ít nhất 1 tháng lương cơ bản hoặc 1 tháng lương tổng thu nhập nếu kết quả kinh doanh trong quý IV khả quan hơn.
"Người lao động là tài sản quý giá của DN, họ đã cùng DN thực hiện 3 tại chỗ, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nên dù có lỗ, hòa vốn thì chúng tôi cũng cố gắng để có chút ít động viên người lao động", ông Lĩnh cho biết.
Năm ngoái, DN thủy sản Thuận Phước thưởng 2 tháng lương tính theo tổng thu nhập cho người lao động, trung bình 14 triệu đồng/người.
Hiện tại không có quy định nào bắt buộc DN phải thưởng Tết cho người lao động trong mọi trường hợp, dù là Tết dương lịch hay Tết âm lịch. Tuy vậy, mức thưởng Tết là yếu tố quan trọng để DN giữ chân, cũng như động viên khích lệ người lao động qua một năm cố gắng. Do vậy, nhiều DN cho biết vẫn cố gắng, thậm chí dù lỗ vẫn cố gắng để có chút ít thưởng Tết cho người lao động.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp DN dù lãi lớn nhưng vẫn vin lý do COVID-19 để cắt lương, thưởng của người lao động, như trường hợp hàng trăm công nhân công ty TNHH Fredtrend A (nhà máy tại khu chế xuất Linh Trung 2, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã ngưng làm việc để yêu cầu Ban giám đốc tăng tiền Thưởng Tết.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chăm lo Tết cũng là một cách giữ chân người lao động trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay. Năm nay có một khó khăn nữa là không tăng lương tối thiểu. Thưởng Tết có thể bị giảm, nhưng lương tối thiểu không tăng do DN khó khăn. Do vậy, khó khăn đối với người lao động tăng thêm.
Theo Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, những nơi người sử dụng lao động chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chỉ đạo tăng cường công tác thương lượng.
Thy Lê