Mục đích cải tạo đất vườn tạp của Hòa Bình là để chuyển sang trồng màu, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi. Việc cải tạo vườn tạp giúp người dân ứng dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, từ đó không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo; tạo cảnh quan, môi trường nông thôn thoáng mát, hạn chế dịch bệnh, cây cối um tùm...
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Hòa Bình là một tỉnh miền núi có trên 21.000 ha đất vườn nhưng phần lớn là vườn tạp, các hộ nông dân trồng xen kẽ nhiều cây bản địa như: tre, chuối, chanh, quất hồng bì… tự cung tự cấp cho gia đình. Rất ít sản phẩm hàng hóa được cung cấp ra thị trường.
Nhằm phát huy tiềm năng đất đai, lợi thế địa lý cận Thủ đô Hà Nội, mở hướng làm giàu cho người dân, năm 2014, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU vận động người dân cải tạo vườn tạp gắn với đẩy mạnh hợp tác, liên kết nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, cho biết tính đến cuối năm 2018, tỉnh Hòa Bình đã cải tạo được trên 6.000 ha vườn tạp thành vườn cây đặc sản. Nhiều hộ gia đình chuyển đổi, cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả (nhãn, na, cây ăn quả có múi), rau, hoa, cây cảnh hay cây dược liệu hoặc kết hợp chăn nuôi... theo quy mô lớn.
![]() |
Cam là một trong những cây trồng được phát triển nhờ chủ trương cải tạo vườn tạp ở Hòa Bình |
Hiện, tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất tập trung mà nền tảng thành công là từ việc cải tạo vườn tạp để liên kết sản xuất tập trung. Cụ thể là vùng sản xuất cây có múi thuộc HTX nông nghiệp thương mại Mường Động (Kim Bôi) với diện tích 125 ha được sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ chuẩn bị giống đến đầu tư máy móc, nhà xưởng phục vụ chế biến. Sản phẩm của HTX không chỉ được cung cấp ở các tỉnh, thành trong cả nước mà còn xuất khẩu.
Vùng sản xuất nhãn an toàn thuộc HTX nông nghiệp Sơn Thủy (Kim Bôi) với diện tích 34 ha. HTX được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể là “nhãn Sơn Thủy - huyện Kim Bôi” để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Hay mô hình sản xuất rộng 30ha chuyên trồng bưởi đỏ của HTX Tân Lạc. Tất cả diện tích này đều được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Cùng với đó, HTX còn đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý rửa, phân loại, đóng gói và bảo quản quả bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo mang đến những sản phẩm có chất lượng tốt nhất tự hào mang nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường.
Không chỉ thuận lợi trong sản xuất, nhờ đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, sản phẩm của người dân làm ra được bảo đảm chất lượng, giá bán trên thị trường cao hơn. Theo ông Vương Đắc Hùng, giá trị kinh tế thu được mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng trên 1 ha từ sau khi cải tạo vườn tạp. Nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp với những loại nông sản nổi tiếng như cam, bưởi… được phát triển.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh thành lập và phát triển các HTX với khu vực trồng trọt tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, từ đó tạo nền tảng thu hút vốn đầu tư phát triển thành các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Nâng cao giá trị
Những hiệu quả mang lại từ việc đẩy mạnh cải tạo vườn tạp tại nhiều địa phương ở tỉnh miền núi Hòa Bình là điều rõ ràng. Cải tạo vườn tạp đang trở thành hướng đi đúng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đến nay, sau gần 5 năm triển khai thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, Hòa Bình đã khẳng định rõ tính hiệu quả trong thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, đã có hàng nghìn hộ gia đình chuyển đổi, cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả (nhãn, na, cây ăn quả có múi), rau, hoa, cây cảnh hay cây dược liệu… qua đó vừa giúp khai thác có hiệu quả diện tích đất vườn đồi vừa giúp nâng cao thu nhập, phát triển đời sống người dân.
Để phong trào cải tạo vườn tạp thực sự có hiệu quả, tỉnh Hòa Bình đã đặc biệt coi trọng công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân thông qua các lớp đào tạo nghề trồng nông sản an toàn tại các vùng trồng chuyên canh trên địa bàn các huyện Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi và thành phố Hòa Bình, Cao Phong, Lương Sơn…
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp theo hướng chọn giống cây đặc sản, phù hợp với quy hoạch vùng; hướng dẫn các địa phương thực hiện quảng bá xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm.
Từ đó, người dân đã hình thành tập quán canh tác theo kỹ thuật tiên tiến. Những loại cây trồng bản địa đã được thay thế dần bằng giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn. Việc cải tạo vườn tạp đã làm cho giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên một đơn vị diện tích tăng khá cao.
Tân Lạc là huyện đi đầu trong cải tạo vườn tạp khi có gần 1000 ha vườn tạp được cải tạo thành những vườn cây đặc sản với các loại cây trồng như su su, bưởi đỏ, bưởi da xanh, quýt ngọt, cam Canh…
Đến nay, tỉnh đã có trên gần 7000 ha đất vườn tạp được cải tạo để trồng cây cho giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có gần 500 ha diện tích sản xuất trồng trọt được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trong đó có hơn 170 ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
Huyền Trang