Với mức giá 70.000 – 90.000 đồng/kg, nho Tàu “mượn danh” nho Ninh Thuận đang gây sốt tại Việt Nam suốt gần 2 tháng qua. Xoài mút Trung Quốc “Made in Châu Đốc” cũng đang trở thành hàng “hot” trong giới nội trợ, với mức giá chỉ 20.000 – 25.000 đồng/kg.
“Đắt như nho đội lốt”
Chị Thu – chủ sạp hàng lưu động trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: “Nho Ninh Thuận ngon, ngọt, dày cùi, hạt nhỏ lại có mức giá rẻ hơn 1/3 nho Mỹ, nho Australia nên bán rất chạy, bình quân mỗi ngày, tôi bán được 60 – 70kg, có ngày kỷ lục lên cả tạ”.
Tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Diễn – chủ một ki ốt hoa quả tươi, chia sẻ: “Nho Ninh Thuận đắt hàng từ đầu tháng 5 đến tận giờ. Giá chỉ trên dưới 80.000 đồng/kg lại ngọt, thơm nên rất được ưa chuộng. Mới đầu, nhiều người cũng tỏ ra nghi ngại, nhưng giá rẻ, lại ngon, nên họ chấp nhận. Có người ngày nào cũng ghé mua”.
Khi được hỏi về hiện tượng nho Tàu “đội lốt” nho Ninh Thuận, chị Diễn chia sẻ: “Có nhiều lắm, hàng Tàu thật có, hàng Tàu giả cũng có. Thực ra việc bán nho Tàu là bình thường, vì mỗi ngày có cả tấn đưa từ cửa khẩu về chợ. Hàng Tàu chính ngạch thì chất lượng bảo đảm, nhưng vì người dùng “tẩy chay” nên đành dán nhãn nho trong nước bán cho đắt hàng”.
“Nhưng cũng phải thừa nhận có nhiều loại nho Trung Quốc chất lượng kém trà trộn vào chợ. Loại này ngâm tẩm hóa chất gì thì Chúa mới biết, nhưng chắc chắn là độc. Song vì lợi nhuận rất cao, nên nhiều người bất chấp buôn về bán.
Nho lậu nhập chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg nhưng bán ra 70.000 – 80.000 đồng/kg, có ngày họ kiếm vài triệu là chuyện thường”, chị Diễn tiết lộ.
Xoài mút Trung Quốc “đội lốt” xoài Châu Đốc cũng đang gây chú ý trên thị trường thời gian qua. Khảo sát tại chợ đầu mối Long Biên, loại xoài trái nhỏ, vàng ruộm, được giới buôn giới thiệu xoài Châu Đốc, có giá bán sỉ dao động 14.000 – 16.000 đồng/kg, giá bán trên thị trường (tại chợ cóc, vỉa hè) dao động 23.000 – 28.000 đồng/kg.
Tại Tp.HCM, loại xoài “tí hon” này cũng đặc biệt gây “sốt”. Tại các khu chợ lớn như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), đường Cộng Hòa, Điện Biên Phủ… các điểm bán loại xoài mút được quảng cáo xoài Châu Đốc, xoài Bắc, xoài Bình Dương… được bán tràn lan với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg.
Trước đó, mận cơm Trung Quốc với giá 60.000 – 70.000 đồng/kg gắn mác “đặc sản mận Sa Pa” hay “mận Lào Cai”, dưa lưới vàng Trung Quốc với mức giá 25.000 – 30.000đồng/kg, đào Trung Quốc “đội lốt” đào Sa Pa với mức giá 35.000 – 40.000 đồng/kg… cũng “đổ bộ” khắp các khu chợ Hà Nội, Tp.HCM.
![]() |
Người dùng nên thận trọng với những loại hoa quả giá rẻ trên vỉa hè
“Hổng” quản lý, hậu quả khôn lường
PGs.Ts Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia dinh dưỡng, cho biết: “Việc chấp nhận sử dụng các loại hoa quả bán trôi nổi, giá rẻ, không rõ nguồn gốc là cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao. Hiện tượng trái cây “lạ” để 6 – 7 tháng không hỏng không còn xa lạ thời gian qua. Vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc cẩn thận, lựa chọn thông minh để tránh “ham thực mà cực vào thân”.
Không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe, các loại hoa quả “lạ” đội lốt hàng Việt cũng gây thiệt hại không nhỏ với túi tiền của người tiêu dùng. Các quầy hàng “mượn danh” đang khiến khách hàng phải trả giá đắt hơn nhiều lần so với chất lượng thực.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn tình trạng hoa quả “lạ” đội lốt hàng Việt đang là một “bài toán” khó. Theo ông Nguyễn Công San – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, lực lượng QLTT chỉ có thể kiểm tra, xử lý các cửa hàng, siêu thị kinh doanh hoa quả nhập khẩu cố định, còn với tiểu thương, các quầy hàng di động thì rất khó kiểm soát.
“Việc chưa có tiêu chí đánh giá mức độ độc hại của dư lượng thuốc bảo quản trong hàng nông sản, trái cây nhập khẩu (nhất là từ Trung Quốc) đang gây khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng giả danh hàng Việt. Khi kiểm tra tại các quầy bán lưu động, các chủ hàng khai là hàng của nhà, ở quê mang lên, vậy thì QLTT không thể, cũng không có bằng chứng để xử phạt”, ông San cho biết.
Rõ ràng, công tác quản lý nông sản, hoa quả với các tiểu thương bán lẻ còn nhiều “lỗ hổng”. Trong khi chờ các cơ quan chức năng “siết” lại các quy định, người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình với cách tiêu dùng thông minh, cẩn trọng hơn.
Văn Nguyễn