Từ ngày 1/6/2021, người dân trên toàn quốc được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT (bảo hiểm y tế) trên ứng dụng VssID khi đi khám chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Việc triển khai này là bước đi thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam.
Khám chữa bệnh BHYT qua ứng dụng VssID
Thống kê từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến ngày 19/7/2022, trên toàn quốc đã có khoảng 26.322.237 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 713.018 người với 1.299.323 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT.
Khám chữa bệnh BHYT qua ứng dụng VssID. |
Chị Minh Hằng (Đống Đa - Hà Nội) chia sẻ, bình thường chị cũng chưa biết tới chính sách trên, tuy nhiên một hôm bị dị ứng da nên phải vào viện khám đột xuất. Đến nơi biết mình không kịp đem thẻ BHYT giấy nên định khám dịch vụ, nhưng được nhân viên đón tiếp giới thiệu, chị đã đưa hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đăng ký khám và hưởng BHYT.
"Việc khám chữa bệnh thông qua hình thức sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là giảm thời gian kê khai thông tin và đối chiếu dữ liệu khi khám chữa bệnh, hạn chế việc phải làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT giấy, giúp người tham gia không lo mất, hỏng thẻ BHYT giấy như trước đây…", chị Hằng cho hay.
Bên cạnh đó, nhằm đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an (trực tiếp là Cục C06) triển khai thực hiện việc xác thực thông tin công dân, triển khai sử dụng Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện nay, về cơ bản người dân đã có thể sử dụng Căn cước công dân để khám chữa bệnh BHYT. Sau gần 5 tháng triển khai thí điểm việc khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân gắn chip điện tử, tính đến ngày 19/7/2022, toàn quốc đã có 6.856 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân với 335.647 lượt tra cứu thành công phục vụ việc khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân gắn chip.
Thời gian cấp thẻ BHYT được rút ngắn
Cùng với việc đơn giản các thủ tục hành chính trong khâu khám chữa bệnh BHYT, thời gian cấp mới thẻ BHYT từ 10 ngày trước đây được rút ngắn xuống còn 5 ngày. Trường hợp cấp lại, đổi thẻ BHYT nếu không thay đổi thông tin: việc cấp lại, đổi thẻ được thực hiện trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp cấp lại, đổi thẻ BHYT nếu thay đổi thông tin: Việc cấp lại, đổi thẻ được cải cách từ 7 ngày xuống còn không quá 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Thời gian cấp lại, đổi thẻ BHYT đối với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Đồng thời, nếu như trước đây, theo quy định, BHXH huyện, tỉnh nào thì có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT (đối với thẻ không thay đổi thông tin) ở huyện, tỉnh đó, thì từ ngày 16/8/2021 đến nay, BHXH huyện, tỉnh có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT (mà không thay đổi thông tin) theo mẫu thẻ BHYT mới cho người tham gia BHYT ở các huyện, tỉnh khác.
Chị Hồ Tuyến (Quảng Nam) cho hay do mua BHYT hộ gia đình nên mẹ chị ở quê đăng ký thẻ BHYT cho chị ở Nghệ An. Tuy nhiên, do làm việc ở Quảng Nam nên mỗi lần muốn khám chữa bệnh BHYT, chị lại phải về Nghệ An. Vừa rồi, chị đến cơ quan gần nhất để đổi thẻ BHYT. "Sau khi có thẻ BHYT, việc khám chữa bệnh của tôi tiện lợi hơn rất nhiều", chị Tuyến chia sẻ.
Có thể thấy, thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã mang lại nhiều tiện ích, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHYT cho người tham gia. Từ đó khuyến khích người dân tích cực tham gia BHYT, góp phần hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, BHYT là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn...
Việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, hằng năm có hơn 100 triệu lượt người BHYT được đảm bảo quyền lợi. "Năm 2020-2021, do tác động của dịch COVID-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch COVID-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT", Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.
Thùy Dương