Trong khi “cuộc chiến” trên thị trường bán lẻ hiện đại đang ngày càng cam go, cạnh tranh khốc liệt, không ít các nhà bán lẻ nội đã bị các “hàm cá mập” bán lẻ nước ngoài nuốt trọn, thì các cửa hàng tạp hóa của kênh bán lẻ truyền thống vẫn ăn nên làm ra.
Kênh truyền thống vẫn ăn nên làm ra
Không biết thế sự của thị trường bán lẻ hiện nay như thế nào và cũng không ngỏ ý muốn quan tâm, song chị Trang - chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội), cho biết lượng khách đến mua tại cửa hàng của chị rất đông, nên hàng tháng vợ chồng chị vẫn thu về một khoản lời kha khá. “Nhờ duy trì cửa hàng này mà gia đình tôi đã mua được nhà, tậu được xe”, chị Trang cho biết.
Trên thực tế, việc thích mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa đã ăn sâu vào thói quen mua sắm tại Việt Nam. Dù vài năm trở lại đây, các mô hình kinh doanh hiện đại ngày càng được mở rộng trên cả nước, nhưng cửa hàng kinh doanh truyền thống vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Chị Hà - nhân viên văn phòng, cho biết gia đình chị chỉ đến siêu thị vào những dịp cuối tuần khi có nhu cầu đi giải trí, vui chơi, còn thường ngày thiếu đồ dùng gì, chị thường chạy ra cửa hàng tạp hóa gần nhà mua cho tiện, giá cả ở đây lại rẻ hơn so với siêu thị (hàng hóa trong siêu thị thường phải chịu thêm thuế VAT). Đồng thời, tiết kiệm được thời gian.
Chính vì những thói quen tiêu dùng này, mà năm 2015, theo báo cáo mới đây của công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, lần đầu tiên trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kênh thương mại truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa…) tăng nhanh hơn kênh hiện đại 5,4%, chiếm hơn 85% doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh và tương đương gần 10 tỷ USD.
Dù trong bối cảnh nhiều hãng bán lẻ nội phải “thay tên đổi họ” hoặc “biến mất” khỏi thị trường. Còn hoạt động kinh doanh của các trung tâm mua sắm lại chưa thực sự hiệu quả, khách hàng đến đây chủ yếu dạo và ngắm mà ít có nhu cầu mua sắm. Điều này khiến một số DN rơi vào cảnh thua lỗ, buộc phải đóng cửa.
![]() |
Kênh tiêu dùng truyền thống đang bị DN sản xuất bỏ hoang
Vì sao ngó lơ?
Kênh bán lẻ truyền thống “ăn nên làm ra” là vậy, nhưng báo cáo của Nielsen cho biết trong một thị trường mà có đến hơn 1,3 triệu cửa hàng kinh doanh truyền thống như Việt Nam, thì để đẩy sản phẩm của nhà sản xuất vào cửa tiệm và để sản phẩm đó hiện diện trước mắt người tiêu dùng là một thách thức không nhỏ. Thậm chí, đối với hầu hết các nhà sản xuất, khả năng để khai thác hết cơ hội dù chỉ là một nửa của tổng số 1,3 triệu cửa hàng hiện hữu trên toàn quốc là không khả thi.
Đặc biệt, Nielsen đánh giá, ngay cả các nhà sản xuất lớn, có đội ngũ bán hàng hùng mạnh, thì cũng chỉ khai thác trực tiếp được cơ hội ở 30% cửa tiệm. Do sự phức tạp trong việc làm quen và thích nghi với sự biến đổi liên tục của kênh thương mại truyền thống…
Công ty Nghiên cứu thị trường Kanta Worldpanel cũng đưa ra nhiều nghiên cứu, cho thấy kênh tiêu dùng truyền thống đang trỗi dậy, là vùng đất màu mỡ bấy lâu nay, song lại đang bị DN sản xuất bỏ hoang, ít DN chịu đầu tư khai phá.
Dẫn đến, có một thực tế tại nhiều vùng nông thôn hiện nay, người dân cho biết là tìm hàng Việt còn khó hơn hàng Trung Quốc. Thậm chí có những thương hiệu Việt dù đã rất nổi tiếng trên thị trường, nhưng lại trở nên xa lạ với người dân ở những nơi này. Hàng giả, hàng nhái theo đó mà “tung hoành” và được dịp làm ăn.
Trong khi đó, dưới góc độ DN, ông Lương Vạn Vinh - Tổng Giám đốc công ty Mỹ Hảo, nêu lên một thực tế, rằng việc xây dựng hệ thống phân phối tốn rất nhiều tiền và phải đầu tư lâu dài. Đặc biệt, DN mới tiếp cận kênh truyền thống phải đầu tư rất nhiều tiền để làm truyền thông, marketing… Đấy là lý do khiến nhiều DN không kham nổi chi phí dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Còn theo một đại diện cơ quan quản lý: “Đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, chúng tôi không ít lần “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Ở giai đoạn đầu, để vận động DN tham gia, cán bộ Sở Công Thương phải vừa thuyết phục, vừa trực tiếp khuân hàng, giúp DN đưa hàng đến tận điểm bán, thậm chí, cùng bán hàng với DN”.
Lê Thúy