Với thực trạng ách tắc giao thông đã trở thành nhức nhối ở ngã ba Lê Thánh Tông - Đình Vũ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, công trình này là niềm mong mỏi của tuyệt đại người dân Hải Phòng và của DN, nhất là các DN vận tải, các DN cảng, các DN kho bãi, kinh doanh xăng dầu.
![]() |
Vẫn có thể mở rộng sang phải để xe container đi về hệ thống cảng Đình Vũ
Mất thời gian, phát sinh chi phí
Nút giao thông ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với Hải Phòng. Đây là điểm kết nối các hệ thống cảng biển Hải Phòng, kho bãi, các dịch vụ cảng biển. Nhưng lại đang là “nút thắt” cho XNK hàng hóa.
Hiện nay, lượng hàng hóa qua Cảng Hải Phòng chiếm khoảng 80% số lượng đi qua nút giao thông này. Trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 40.000 lượt xe qua đây và thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, là Sở GTVT Hải Phòng: Có 308 hộ dân cần giải tỏa, 68 DN, 2 cảng, 4 cây xăng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng trong phạm vi dự án. Bên cạnh đó, còn hàng trăm DN vận tải phải thường xuyên có xe lưu thông qua ngã 3 này từ các tuyến đường khác, các tỉnh khác ra - vào hệ thống cảng, nay phải đi vòng nhiều cây số, dẫn đến phát sinh các chi phí.
Ngày 28/2, việc phân luồng chính thức được thực hiện đã khiến cho nhiều DN có kho bãi nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án. “Các DN vận tải gặp không ít khó khăn trong việc bốc, xếp hàng hóa, lưu thông trên các tuyến đường, phát sinh các chi phí do phải lưu thông thêm khoảng 50 km/lượt, khi phải đi vòng đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”, một chủ DN vận tải cho biết:
Tính ra, để lấy được hàng, trả hàng, làm các thủ tục hải quan, chúng tôi phải đi 4 lần/xe có hàng, bằng khoảng 200km, cộng thêm chi phí phát sinh trên đường cao tốc. Ông Đặng Thế Lưỡng - Tổng thư ký Hiệp hội DN quận Hải An, chia sẻ: Tại khu vực phân luồng đang có nhiều DN kinh doanh kho bãi, dịch vụ container, là địa điểm kiểm tra hàng hóa XNK và thu gom hàng lẻ. Với việc phân luồng không cho đi qua ngã ba này, các công ty sẽ phát sinh thêm chi phí khoảng 500.000 đồng/container (khu vực cảng Đình Vũ), 200.000 đồng/container (cảng Chùa Vẽ) và phải đầu tư thêm phương tiện vận tải để đáp ứng tiến độ khai thác, phục vụ khách hàng.
Do đặc thù các cảng biển tại Hải Phòng là tàu ra vào theo con nước và phụ thuộc hoàn toàn vào hãng tàu, nếu phải thực hiện đi đường vòng theo phân luồng giao thông mới, thiệt hại của các công ty hàng ngày là rất lớn.
Bên cạnh đó, việc xe container lưu thông trên tuyến đường nội đô như Đà Nẵng, Lê Hồng Phong... sẽ gây ảnh hưởng, thậm chí làm hỏng công trình giao thông và không an toàn cho người tham gia giao thông (trước đây, xe container không được lưu thông vào các tuyến đường này).
Đại diện một DN khác lại đưa ra khó khăn, khi kiện hàng của DN thường có chiều cao hơn 5m thì làm sao có thể đi được vào Lê Hồng Phong (chiều cao không quá 4,2m). Vậy DN vận chuyển hàng kiểu gì để đến được cảng, bốc lên tàu xuất đi?
Cá biệt, có một vài kho bãi container của DN có chức năng trung chuyển hàng hóa XNK, lại đang nằm vào đúng vị trí ngã ba đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ, như: công ty TNHH Sao Đỏ. Hiện khu vực đó đã bị rào quây chắn kín, khiến hoạt động ra - vào của xe container không được, hàng hóa bị ùn ứ, chưa biết làm cách nào để thoát ra được. Ông chủ DN này than thở: “Chắc chúng tôi phá sản!”.
Nắm được bức xúc của DN, sáng 3/3, trước giờ khởi công xây dựng cầu vượt khoảng 5 tiếng, UBND Tp.Hải Phòng chủ động triệu tập khẩn cấp cuộc họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND thành phố, nhằm lắng nghe các DN nêu giải pháp.
Theo ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng: Hiệp hội đã tổ chức đoàn công tác ra thực địa để khảo sát nơi thi công cầu vượt. Chúng tôi đưa ra một số giải pháp tạm thời, đó là một số DN, hộ dân có công trình nằm trong khu vực thi công ủng hộ nhà thầu; Ban Quản lý dự án bàn giao mặt bằng để làm hai đường tạm: Đoạn từ cảng Chùa Vẽ về đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông đi đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và đoạn từ Nguyễn Bỉnh Khiêm đi Đình Vũ. Trước mắt, di chuyển các cây xanh, công trình trên vỉa hè để nhà thầu cắt xén vỉa hè tại hai đường trên để xe lưu thông, giảm chi phí cho các xe không phải đi vào đường cao tốc. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn vướng mắc do các công trình ngầm nằm trên hai vỉa hè, như cáp điện ngầm, viễn thông, nước sinh hoạt…
![]() |
Nhà thầu rào chắn đường gây khó khăn cho DN vận tải container
DN chung tay cùng chính quyền
Từ những khó khăn vướng mắc trên, đại diện các DN trên địa bàn quận Hải An, Hiệp hội DN quận, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đã đưa ra giải pháp cụ thể:
UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, DN có đất và các công trình ngầm tại hai trạm mở đường phải di chuyển ngay, để giao mặt bằng cho nhà thầu thực hiện việc xén vỉa hè làm hai đường tạm.
Các ngành chức năng thực hiện ngay việc kiểm kê đền bù giải phóng mặt bằng, để bàn giao cho nhà thầu xây dựng công trình. Đặc biệt, ưu tiên giải phóng mặt bằng làm đường gom từ Đình Vũ đi đường Trần Hưng Đạo (cảng Chùa Vẽ) để phục vụ xe lưu thông vận chuyển hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi KCN Đình Vũ và các bãi kho, bãi container, cũng như chiều ngược lại (vì mật độ phương tiện trung chuyển hàng hóa rất lớn)...
Kiến nghị của đại diện các hiệp hội, DN đã được lãnh đạo UBND Tp.Hải Phòng, các ngành chức năng lắng nghe, chia sẻ. Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng, cho biết: “Dự án được xây dựng trong bối cảnh “cơi nới”, nên cần phải giải phóng mặt bằng, khâu chuẩn bị gấp (vì đường thường xuyên ách tắc giao thông) nên chưa gặp được các DN sớm.
Tuy nhiên, ông Bình lập tức chỉ đạo: Đây là 1 trong 10 dự án trọng điểm của thành phố được khởi công trong đầu năm 2017. Thành phố ghi nhận, đánh giá cao những chia sẻ, ủng hộ của DN đã đồng hành cùng chính quyền, nhân dân để dự án sớm hoàn thành, nhất là các DN sẵn sàng hiến đất để mở đường.
UBND thành phố đã có văn bản đề nghị với Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam để xem xét giảm phí cho các DN vận tải khi lưu thông trên đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội trong quá trình thực hiện dự án.
“Yêu cầu nhà thầu (Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng) bố trí nhân lực 24/24 giờ, cung cấp số điện thoại thường trực để giải quyết những phát sinh với các DN trong quá trình xây dựng cầu vượt, bảo đảm giao thông thông suốt trong hệ thống bến, bãi, hệ thống cảng; bố trí phương tiện hiện đại, đủ con người để xây dựng cầu 24/24 giờ, dứt khoát phải xây dựng xong trong 6 tháng (thay vì 26 tháng) và an toàn tuyệt đối như đã cam kết. Giao sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, cụ thể là Cảnh sát giao thông trực thường xuyên để hướng dẫn lái xe tránh ùn tắc, đánh giá thực trạng, phân tích để tham mưu thành phố quyết định, chỉ đạo, nhất là việc mở đường sang hai bên, bảo đảm cho việc thông suốt hàng hóa trong nội bộ khu vực cảng, từ các cảng đi ra tỉnh ngoài trong quá trình xây dựng cầu vượt”, ông Bình chỉ đạo.
Trang Vân