Theo kết quả quan trắc lần gần nhất của các lò đốt chất thải sinh hoạt tại Hải Phòng: Lò tại xã Quốc Tuấn, huyện An Lão có thông số Dioxin/Furan vượt 141 lần so với quy chuẩn (lò được đầu tư hơn 6 tỷ đồng năm 2016), lò đốt rác tại huyện Vĩnh Bảo có thông số Dioxin/Furan vượt 97,3 lần...
Đầu tư không hiệu quả
Một người dân tại xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên bức xúc cho biết: "Tôi được biết lò đốt rác thải sinh hoạt đặt tại xã đầu tư gần 3 tỷ nhưng hoạt động không hiệu quả. Bây giờ, hệ thống lò này đã han gỉ, xuống cấp, gây lãng phí ngân sách nhà nước mà rác thải vẫn không xử lý được. Không hiểu công nghệ này ở đâu ra, ai đưa về?".
Theo quan sát của phóng viên, những lò đốt chất thải sinh hoạt này hoạt động với tần suất không nhiều, cấu trúc lò bộc lộ nhiều hạn chế (miệng lò nhỏ, lòng lò hẹp) gây khó khăn cho công nhân vận hành đốt rác. Mỗi khi đốt, khói đen và mùi khét bốc ra gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Dù được quảng bá có công suất đốt 500kg rác/giờ nhưng thực tế các lò chỉ đốt được khoảng 40 - 50% lượng rác thải thu về, số còn lại đa phần vẫn được xử lý theo phương pháp chôn lấp.
![]() |
Lò đốt chất thải sinh hoạt tại xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên hiện đã ngừng hoạt động |
Được biết, tại xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, sau khi lò lắp đặt xong, UBND huyện đã giao cho Công ty TNHH Phát triển du lịch non nước Việt quản lý vận hành. Tuy nhiên, cán bộ công nhân ở đây gặp khó khăn trong vận hành lò vì công nghệ lạc hậu, có lúc 5 công nhân tập trung đưa rác thải sinh hoạt của 1 xã vào lò đốt nhưng đốt cả buổi cũng không xong. Quá trình đốt, khí thải độc hại phát sinh ra nhiều.
Ông Đào Văn Bắc - Phó phòng TNMT huyện Thủy Nguyên, cho biết: Lò đốt chất thải sinh hoạt tại Minh Tân được đầu tư 1,8 tỷ, lò đốt tại xã Phục Lễ được đầu tư 2,8 tỷ. Tuy nhiên, hoạt động từ 2 lò đốt này không hiệu quả. Ngân sách huyện không đủ để chi trả cho lương công nhân và công tác vận hành lò.
Trước thực tế này, UBND huyện Thủy Nguyên đã có báo cáo gửi UBND TP Hải Phòng xin tạm dừng hoạt động của lò đốt này để tránh gây nguy hại đến đời sống nhân dân khu vực lân cận.
Lò đốt rác chưa đạt tiêu chuẩn
Theo báo cáo vào tháng 6/2019 của Sở NN&PTNT Hải phòng: Các lò đốt BD Anpha 500kg/giờ được sản xuất trước khi có quy chuẩn khí thải lò đốt rác thải sinh hoạt QCVN 61 –MT: 2016/BTNMT, nên các kết quả quan trắc khí thải lò đốt đều không đạt yêu cầu. Một số hệ thống thiết bị: Lồng sàng tích hợp sấy rác, băng nạp rác chưa được thẩm định, chứng nhận tính phù hợp về công nghệ theo quy định hiện hành...
![]() |
Lò đốt rác đã đã xuống cấp, han gỉ |
Để xử lý vấn đề lò đốt công suất hạn chế, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn tới môi trường, huyện An Lão và Kiến Thụy đã có văn bản trình các cơ quan chức năng, UBND TP Hải Phòng xem xét cho cải tạo, nâng cấp lò đốt. Kinh phí nâng cấp, cải tạo của 2 huyện đề xuất là khoảng 2 tỷ đồng/lò.
Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực này: Phương án, cải tạo nâng cấp lò đốt do các huyện đề xuất sẽ tiếp tục không hiệu quả. Cụ thể: Hệ thống thiết bị để lắp đặt, xử lý khí thải lò đốt do nhà cung cấp chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định công nghệ theo quy định; Bản chất lò đốt này không phân loại rác và phải qua công đoạn phơi khô, để nhiệt độ cao hơn 1000°c mới không sản sinh ra chất dioxin nên phát sinh chi phí, trong khi thu phí thu gom rác không đủ chi. Kinh phí cải tạo, lắp đặt thêm hệ thống xử lý khói thải do các địa phương đề xuất gần 2 tỷ đồng/lò (trong khi kinh phí lắp đặt một lò đốt rác Losiho công suất 500kg/giờ do Công ty TNHH Tân Thiên Phú tại Nam định sản xuất, giá tại thời điểm này là hơn 1,9 tỷ đồng). Như vậy, hiệu quả về môi trường và cả kinh tế trong việc cải tạo, nâng cấp lò đốt này đều thấp.
Thực tế, trong quá trình vận hành lò đốt, chủ đầu tư thấy công trình, thiết bị máy móc lạc hậu, không hiệu quả, gây ảnh hưởng tới môi trường, không đúng cam kết trong hợp đồng, các địa phương có quyền yêu cầu đơn vị cung ứng lò đốt rác (CTCP năng lượng Bách Khoa) xử lý, thậm chí hoàn trả tiền theo quy định, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước như hiện nay.
Vũ Trang - Thanh Vân