Theo thống kê hiện nay, ở nước ta mới có hơn 13.400.000 người (chiếm 24% lao động) tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc. Trong khi đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020, nước ta phải đạt được 50% lao động tham gia loại hình BHXH này.
Tỷ lệ khiêm tốn
Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), đánh giá tỷ lệ tăng như trên chưa đạt được kỳ vọng của chính sách, nếu so với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra còn khoảng cách xa.
Theo ông Thọ, nguyên nhân là do điều kiện KT-XH gặp khó khăn, nên việc chuyển từ lao động phi chính thức sang chính thức chậm, dẫn tới số người lao động (NLĐ) có quan hệ lao động không tăng.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh nên cắt giảm lao động. Hay số DN tăng mới nhiều nhưng quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên sử dụng lao động ít.
Đồng thời, chủ sử dụng lao động (SDLĐ) ý thức kém, trong khi cơ chế kiểm soát còn bất cập, như không quản lý tốt việc khai trình lao động của chủ sở hữu lao động, công tác thanh tra của ngành lao động chưa thường xuyên, liên tục.
Cơ chế để cưỡng bức, rằng buộc để người chủ sở hữu lao động đóng bảo hiểm cho NLĐ chưa đạt được... đang là những trở ngại mở rộng đối tượng tham gia BHXH.
Về phía đại diện NLĐ, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), nhấn mạnh, mục tiêu tới năm 2020, chúng ta phải đạt 50% số người làm công hưởng lương tham gia BHXH bắt buộc, giờ mới đạt được một nửa. Điều này cho thấy, thời gian còn ngắn mà phần việc phải làm rất nhiều.
Ông Thọ nói: “Tôi thấy thành tích đạt được còn khiêm tốn. Cụ thể, số lượng người tham gia BHXH có tăng lên, nhưng không nhiều và bền vững. Thực tế, những người hưởng BHXH rồi, do trục trặc nền kinh tế họ nghỉ việc, sau đó nhận BHXH một lần. Ước tính mỗi năm có 600.000 - 700.000 người nhận BHXH một lần. Như vậy, số tăng lên trừ đi số rút ra làm cho số thực tăng không đáng kể”.
Lý giải thêm điều này, ông Vũ Quang Thọ chia sẻ: “Với NLĐ, một đồng làm ra là mồ hôi công sức của họ. Vì vậy, khi bị ngừng việc, họ đều muốn thanh toán ngay, không muốn kéo dài. Họ nhìn thấy lợi ích trước mắt chứ không nhìn lâu dài, mới dẫn tới câu chuyện vừa qua 10.000 NLĐ kiến nghị lên Thủ tướng muốn thanh toán BHXH một lần. Điều này khiến tôi rất xót xa”.
Tham gia BHXH để hưởng lương hưu là sự lựa chọn hữu ích và thông minh nhất
Tuy nhiên, trước câu hỏi phải chăng NLĐ không mặn mà tham gia BHXH, ông Thọ cho rằng nếu nói NLĐ không mặn mà với BHXH bắt buộc là không đúng, vì tổng số tiền đóng vào quỹ BHXH là 25% tiền lương, NLĐ chỉ đóng 8%. Ai đi làm cũng mong muốn được đóng BHXH.
Ông Đỗ Ngọc Thọ cũng cho rằng mức đóng BHXH hiện nay là vừa phải. Đồng thời, Nhà nước đang có các chính sách hỗ trợ đối với người tham gia BHXH có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo...
“Nếu ai từ chối tham gia BHXH là rất tiếc. Đây là sàn an sinh xã hội, bảo đảm cho người dân hưởng quyền lợi khi mất sức lao động, nghỉ hưu”, ông Đỗ Ngọc Thọ nói.
BHXH là sự lựa chọn an toàn
Đặc biệt, trước việc hiện nay đang có so sánh giữa lợi ích của việc đóng BHXH hay đem tiền gửi tiết kiệm và tham gia bảo hiểm nhân thọ (BHNT), ông Vũ Quang Thọ khẳng định, NLĐ nên tham gia BHXH vì tính an toàn, chiến lược và dài hơi.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Thọ, nhấn mạnh, việc có nhiều thông tin trên mạng xã hội so sánh giữa tham gia BHNT, gửi tiết kiệm với tham gia BHXH hưởng lương hưu cái nào lợi hơn là suy nghĩ rất lệch lạc.
Để chứng minh điều này, theo ông Đỗ Ngọc Thọ, BHXH Việt Nam đã tiến hành so sánh từ tốc độ điều chỉnh lương hưu, chỉ số tiêu dùng, lãi suất gửi tiết kiệm và thấy rằng có khác biệt cơ bản. BHXH là hoạt động phi lợi nhuận, BHNT hay gửi tiết kiệm nhằm mục đích sinh lời.
Đặc biệt, Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ. Trong khi đối với DN kinh doanh BHNT hay ngân hàng có thể phá sản. Điều này cho thấy, cơ chế vận hành khác nhau như gửi tiết kiệm hoặc BHNT hàng tháng được nhận tiền lãi, tuy nhiên vài chục năm sau, giá trị tiền gốc sẽ giảm nhiều.
Trong khi đó, tiền đóng vào quỹ BHXH được bảo toàn và tăng trưởng, một đồng sẽ thành nhiều đồng. Trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu được hưởng BHYT bất luận điều kiện nào. Đặc biệt, gần như năm nào Chính phủ cũng tăng lương hưu. Khi người hưởng qua đời, thân nhân vẫn được chi trả trợ cấp mai táng...
Như vậy, bất luận trong mọi trường hợp, quyền lợi của người tham gia BHXH cũng lớn hơn gửi tiết kiệm và đóng BHNT. “Tôi không chê bai gửi tiết kiệm hay BHNT. Đây là kênh đầu tư văn minh, nếu NLĐ có khả năng chi trả có thể tham gia các hình thức trên. Tuy nhiên, nếu để được chọn, tham gia BHXH để hưởng lương hưu là hữu ích và thông minh nhất”, ông Đỗ Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Thy Lê