Tết Nhâm Dần đang đến gần, những người làm nghề gốm ở tổ dân phố Lò Cang, thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) tất bật ngày đêm trong xưởng với đất sét, bên lò nung, để hoàn thành những đơn hàng từ khắp mọi miền đất nước.
![]() |
Thợ gốm tất bật ngày đêm để hoàn thành các đơn hàng từ khắp mọi miền đất nước. |
“Gốm Thanh Nhạn - Hương Canh của nhà tôi được khách Hà Nội đặt hàng ngày càng nhiều. Có đại lý lấy liền một lúc mấy chục sản phẩm, về Hà Nội bán lãi gấp đôi, gấp ba…”, bà Nhạn kể.
Một thời vang bóng…
Chỉ cách Hà Nội khoảng 40km, mấy năm gần đây, làng gốm Hương Canh thu hút được một lượng lớn khách du lịch tới thăm quan, trải nghiệm. Đến với làng gốm Hương Canh, du khách sẽ được ngắm và tìm hiểu rất nhiều loại đồ gốm như: chậu, lọ, bình, vại, chĩnh... Gốm sứ không được phát triển theo hướng đồ sứ mà là sành hóa. Với kiểu dáng ngày càng đẹp, đa dạng cùng khả năng chống thấm nước, gốm sứ Hương Canh ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt phù hợp với những nhu cầu sử dụng hàng ngày.
Ngoài gốm sành, du khách còn có thể mua làm quà những loại đồ gốm mỹ nghệ, bức phù điêu cũng như tranh tượng. Những sản phẩm này đều mang đậm cái hồn của làng quê Việt. Du khách cũng có thể “vào vai” một nghệ nhân gốm để tự tạo nên những sản phẩm gốm handmade làm kỷ niệm độc đáo cho chuyến trải nghiệm không quên của mình.
![]() |
Bàn tay khéo léo của người thợ biến mỗi sản phẩm trở thành một tác phẩm nghệ thuật. |
Làng gốm cổ Hương Canh đã có cách đây khoảng 300 năm. Thời xa xưa, người dân Bắc Bộ vẫn có câu "sứ Móng Cái - vại Hương Canh" để khẳng định thương hiệu của sản phẩm sành vùng đất Hương Canh trù phú. Gốm Hương Canh mặc dù không dùng men nhưng vẫn có màu và độ sáng đẹp vô cùng bắt mắt.
Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân Hương Canh nguồn nguyên liệu đất sét dồi dào, có độ mịn, nhiều màu như xám, nâu, vàng… và theo lời nghệ nhân Giang Thị Nhạn đã gắn bó với nghề hơn 50 năm thì “chất đất Hương Canh nhiều thịt, gõ kêu như chuông đồng”, dẻo rất thích hợp để làm đồ gốm.
Sản phẩm khi đưa ra thị trường được nhiều người yêu thích vì vừa giản dị, dân dã, bền, có màu sành như một thứ men tự nhiên, lại có khả năng dầm mưa dãi nắng. Ðồ gốm sành Hương Canh còn được cải tiến về chủng loại, kiểu dáng nên mẫu mã đa đạng, phong phú, chú ý hơn đến hình khối, họa tiết nghệ thuật. Tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi biết đến gốm Hương Canh. Gốm sành Hương Canh đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí được xuất khẩu ra nước ngoài.
Gốm sành Hương Canh nung già gõ tiếng kêu lanh canh như chạm vào kim loại, vừa giữ được nét hoang sơ của nguyên liệu đất sét, lại gân guốc, khỏe khoắn và đầy cá tính, tạo nên nét riêng biệt hấp dẫn. Ðồ sành Hương Canh đem đựng trà thì trà không bị mốc và giữ nguyên mùi thơm đặc trưng; đựng rượu không làm giảm nồng độ mà để càng lâu thì rượu càng ngon, đựng hạt giống thì tỷ lệ nảy mầm rất cao...
Đặc trưng lớn nhất của gốm Hương Canh nằm ở màu tự thân nhờ nguyên liệu đất trầm tích lắng đọng tự nhiên, dưới tác động của nhiệt sẽ trở nên bền chắc. Hơn 300 năm qua, người Hương Canh vẫn hoàn toàn làm gốm thủ công bằng tay, sử dụng bàn xoay để tạo tác, nhờ đó mà mỗi người thợ đều có thể đưa vào những sáng tạo, ý tưởng riêng tạo nên sự khác biệt cho từng sản phẩm. Đến chặng vào lò thì ở một vài điểm, dưới tác động của nhiệt đốt thủ công sẽ tạo nên màu hỏa biến cho sản phẩm, để khi ra đời, gốm trở thành độc bản.
Quy trình để làm ra sản phẩm gốm sành gồm: lọc đất, nặn thô, phơi và nung, trong đó kỹ thuật đốt lò là khâu quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại của mẻ gốm. Ngoài khéo tay sáng tạo các sản phẩm, người thợ phải thành thạo quy trình nung gốm. Mỗi lần đốt lò, theo bà Nhạn thì như một lần "chờ người đau đẻ", lo mất ăn mất ngủ, chỉ khi ra lò mới biết thành công của mẻ gốm.
![]() |
Chất đất sét đặc biệt ở Hương Canh tạo nên sản phẩm bền chắc. |
Một mẻ gốm Hương Canh nung đốt trong lò thủ công mất khoảng 42 tiếng, với nhiệt độ từng thời điểm khác nhau. Vì lẽ đó, người làm gốm phải thức canh lò, thậm chí trắng đêm suốt sáng. Thao thức theo đúng nghĩa, mộc và chất như người đồng đất Hương Canh.
Sản phẩm gốm Hương Canh chỉ là gốm thô. Điểm nổi bật của gốm sành Hương Canh là được sử dụng chính đất ruộng tại quê hương, có sẵn men, thành phần ô xit sắt tự nhiên cũng nhiều hơn đất ở vùng khác, nên khi nung ra sản phẩm tạo nên màu nâu cháy đặc trưng cũng như có độ óng nhất định.
Những năm 1950 - 1970 là giai đoạn hoàng kim của gốm Hương Canh. Với sự ra đời của Hợp tác xã gốm, nghề gốm nơi đây phát triển mạnh mẽ, hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Sản phẩm thời ấy chủ yếu là chum tương, vại nước, nồi niêu, ấm chén… khi nung ra có màu nâu cháy đặc trưng và độ óng nhất định.
Nghệ nhân Giang Thị Nhạn kể mình bén duyên với nghề từ khi 17 tuổi, được học nghề tại Hợp tác xã thủ công Tam Đồng - nơi tập hợp những người con của Hương Canh theo nghề gốm truyền thống để sản xuất tập trung, có quy mô và chất lượng tốt hơn. Thế nhưng, do một số yếu tố tác động, Hợp tác xã sau đó gặp nhiều khó khăn và bị giải thể, người dân Hương Canh chuyển từ sản xuất đồ gốm sang sản xuất ngói để làm kế mưu sinh. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, bà Nhạn vẫn quyết định mở xưởng nghề để “tiếp lửa” cho gốm truyền thống của quê hương. Hai vợ chồng bà có 5 người con thì có 4 người theo nghề làm gốm.
Trăn trở giữ lửa lò, lửa nghề
“Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề. Cái nghề đã ngấm vào máu, gắn với nghiệp của đời mình rồi, một ngày không nhìn thấy lò, không được tự tay làm ra những sản phẩm mà mình tâm huyết là tôi đã thấy ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi vậy, có lẽ, tôi sẽ làm cho tới khi không còn trên cõi đời này nữa mới thôi”, bà Nhạn chia sẻ.
![]() |
Các nghệ nhân trăn trở phục dựng lại nghề truyền thống không chỉ vì tình yêu, mà còn muốn truyền nghề cho lớp trẻ. |
Thực tế hiện nay, làng nghề gốm Hương Canh chỉ còn 7 hộ làm nghề và cũng đang trong cảnh hoạt động cầm chừng vì nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân là do thiếu khu sản xuất tập trung, các hộ làm nghề phải tận dụng sân, vườn, lề đường… để làm nơi sản xuất, trưng bày sản phẩm, tập kết nguyên liệu; không gian ngổn ngang, chật chội..., khiến quá trình sản xuất, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ làm nghề còn luôn trong tình trạng thiếu chủ động về nguyên liệu bởi chưa có vùng khai thác đất sét. Chính vì lẽ đó, các hộ không thể mở rộng quy mô dù có nhiều triển vọng về đầu ra cho sản phẩm.
Trước nỗi lo nghề thủ công truyền thống đang ngày bị mai một, những nghệ nhân yêu nghề muốn phục dựng lại nghề truyền thống nhằm gìn giữ nét văn hóa, nghệ thuật tinh hoa của cha ông để lại đã không quản khó khăn, nỗ lực từng bước khôi phục lại nghề gốm của địa phương.
“Nghề truyền thống nhất định phải giữ, không chỉ vì tình yêu, mà còn bởi một phần muốn truyền nghề cho lớp trẻ, với hy vọng nâng tầm giá trị của sản phẩm địa phương”, bà Nhạn giãi bày.
Đã qua 3 đời làm gốm, anh Nguyễn Hồng Quang - con trai bà Nhạn là người duy nhất ở làng được đào tạo bài bản trong ngành gốm hiện đại. “Là người con của làng gốm sành Hương Canh, bản thân tôi nhận ra rằng, trách nhiệm của mình là phải nâng tầm giá trị gốm nghệ thuật, mang sản phẩm đi khắp thế giới”, anh nói.
Với quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống của cha ông, cùng với sự kiên trì học về gốm, anh Quang đã có thêm nhiều kiến thức về gốm nghệ thuật và nhận ra rằng, để thành công nhất định phải sáng tạo. Sáng tạo trên nền cái gốc truyền thống, để mỗi sản phẩm gốm Hương Canh dù là cái chum, cái vại… cũng phải xứng tầm là một tác phẩm nghệ thuật.
Từ những chum, vại đựng tương cà mắm muối, anh Quang đã biến hóa đất quê hương thành những chiếc bình, chiếc lọ, những đĩa treo tường, gạch ốp, phù điêu... thẩm mỹ cao, bắt mắt, nâng tầm giá trị cho sản phẩm gốm truyền thống của quê hương; để sản phẩm được sử dụng làm vật trang trí nội thất nhà ở, khách sạn, vườn tược…
Anh Quang dự định trong tương lai sẽ cải tiến mẫu mã và nhân rộng mô hình sản xuất ra nhiều hộ gia đình khác, tạo nên những sản phẩm đồng bộ đạt chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Anh cũng tin rằng, ngọn lửa truyền thống của làng nghề gốm Hương Canh sẽ luôn sáng và những sản phẩm gốm chất lượng cao mang thương hiệu Hương Canh đến với những người yêu thích gốm trong và ngoài nước.
Sản phẩm gốm của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang được làm rất công phu với từng khâu tỉ mỉ. Từ lọc đất ba tầng, tạo hình, chuốt, phơi cho tới việc đem nung. Quá trình nung chính là bước quan trọng nhất đòi hỏi phải có nghệ thuật, kinh nghiệm trong việc điều chỉnh nhiệt độ lò. Nhiệt độ bình thường từ 1.200 độ C, nhưng để tạo độ bóng cho sản phẩm thì phải tăng mức nhiệt lên tới 1.350 độ C.
![]() |
Sản phẩm gốm Hương Canh ngày càng được nhiều người biết tới, nhất là khách hàng từ Hà Nội. |
Anh Quang luôn tự tin khẳng định: “Gia đình tôi sống tốt bằng nghề”. Đáng mừng hơn, đó không phải là mục tiêu chính, bởi anh còn mong muốn lớn hơn là gốm Hương Canh phát triển mạnh mẽ trở lại, có thêm nhiều hộ dân giàu lên bằng chính nghề của cha ông.
Vì vậy, anh Quang luôn trăn trở với việc thuyết phục các xưởng, lò khác cùng phát triển gốm nghệ thuật, gốm ứng dụng, nhằm đưa danh tiếng và giá trị gốm Hương Canh đi xa hơn nữa. Muốn thế, cần có không gian đủ rộng, vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi trưng bày các sản phẩm độc đáo của gốm Hương Canh, cần một quy hoạch tổng thể cho khu vực làm nghề tách biệt với khu dân cư để bảo đảm môi trường sống cho người dân. Anh mong mỏi chính quyền quy hoạch, khoanh vùng đất nguyên liệu sản xuất gốm, tránh để vùng nguyên liệu bị chuyển đổi thành đất phát triển công nghiệp hoặc là nơi xả thải của nhà máy công nghiệp. Bởi, chính nguồn nguyên liệu quý giá của Hương Canh đóng vai trò quan trọng, quyết định sự sống còn của nghề gốm trong tương lai.
Phương Lan