Liên quan đến số giờ làm thêm, Điều 106 của Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2012 quy định, người sử dụng lao động (SDLĐ) phải bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động (NLĐ) không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm.
DN Nhật, Hàn... kêu khó
BLLĐ 2012 quy định thống nhất thời gian làm thêm tối đa là 30 giờ/tháng bất kể có những thời kỳ cao điểm và thấp điểm của từng DN. Theo đó, các DN sản xuất rất khó có thể đáp ứng được các đơn hàng sản xuất hoặc tiến độ do người mua hàng đề ra nếu tuân thủ quy định về thời gian làm thêm trong ngày.
Ông Han Dong-Hee - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), cho rằng quy định này khiến các DN khó đáp ứng đơn hàng sản xuất hoặc tiến độ do người mua đề ra. Hệ quả, hoạt động kinh doanh ảnh hưởng, DN phải tăng ca sản xuất trong những thời kỳ cao điểm, làm tăng chi phí lao động. Đôi khi, họ còn phải giảm giá sản phẩm cho người mua theo yêu cầu.
Ông Taiji Yanai - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản (JBAV), cũng phản ánh một số kiến nghị liên quan tới quy định về làm thêm giờ.Cụ thể, JBAV cho biết hiện nay, pháp luật về lao động của Việt Nam đang quy định: không phân biệt ngành nghề, NLĐ không làm việc thêm giờ quá 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm. Tuy nhiên, JBVA cho rằng đối với cả NLĐ và người SDLĐ thì xây dựng được môi trường lao động có thể phát huy tối đa năng lực sẵn có của NLĐ đều rất quan trọng.
![]() |
Dệt may là một trong những ngành cần phải thay đổi việc tăng giờ làm thêm
“Nhìn từ quan điểm này, có thể thấy quy định về giới hạn làm thêm giờ như trên đang bất hợp lý đối với NLĐ đang làm các công việc đòi hỏi sự sáng tạo”, đại diện JBAV nói.
Theo đại diện JBAV, tại Nhật Bản, việc quy định giới hạn làm thêm giờ được quy định cho từng ngành nghề đặc thù dựa trên sự hài hòa lợi ích và đồng ý của NLĐ, người SDLĐ.
JBAV rất mong Việt Nam có thể tham khảo hệ thống này để xây dựng quy định mềm dẻo, linh hoạt về làm thêm giờ, bảo đảm quyền lợi của cả NLĐ và DN.
Sẽ nghiên cứu tăng giờ làm thêm
Ông Colin Blackwell - trưởng nhóm Công tác nguồn nhân lực (Diễn đàn Doanh nghiệp - VBF), nhận định Việt Nam là một trong những nước có mức giới hạn làm thêm giờ thấp nhất trên thế giới, khoảng 200 - 300 giờ/năm. Hầu hết các nước trong khu vực ASEAN có mức giới hạn làm thêm giờ cao hơn nhiều, vào khoảng 1.000 - 2.000 giờ/năm.
Vì vậy, VBF đưa ra kiến nghị từ phía Hiệp hội DN Nhật Bản: Điều 36 - Bộ Luật Lao động Nhật Bản được áp dụng từ 50 năm nay quy định rằng, nếu thỏa thuận về làm thêm giờ đã được ký kết giữa NLĐ, cơ quan nhà nước và liên đoàn thì sẽ miễn thanh tra về vấn đề này tại DN. Phía Nhật Bản có thể hỗ trợ kỹ thuật vận hành hệ thống này cho Việt Nam.
Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý, ông Bùi Đức Nhưỡng - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng một số nước trong khu vực châu Á (Malaysia, HongKong...) có giới hạn giờ làm thêm cao hơn Việt Nam, nhưng lại quy định thời gian làm việc hàng tuần là 40 giờ. Do đó, giờ làm thêm tăng lên nhưng tổng quỹ thời gian vẫn hơn Việt Nam... Vì vậy, Bộ xem xét giờ làm thêm trên cơ sở vừa bảo đảm hội nhập kinh tế và bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.
Đặc biệt, trước phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nói trên, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết riêng giờ làm thêm được quy định trong BLLĐ tối đa 200 giờ, chúng tôi nghiên cứu và tham vấn thời gian tới tăng giờ làm thêm cần thiết phải thay đổi tập trung ở một số lĩnh vực công việc thời điểm, như ngành dệt may, da giày, thủy sản. “Tuy nhiên, tăng giờ làm thêm cũng phải tính toán tới sức khỏe, điều kiện sống và nguồn thu nhập của NLĐ”, ông Dung cho biết.
Thy Lê