Các loại quỹ, phí phi lý dù đã và đang bị lên án mạnh mẽ thời gian qua, nhưng chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Thậm chí, tại nhiều địa phương, tình trạng lạm thu diễn ra tinh vi hơn, với các khoản thu phi lý “quen thuộc” từ phí bảo trì đường sá, trụ sở làm việc, trường học, quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ cán bộ, đến các loại phí bảo vệ ruộng đất, phí thể dục thể thao, phí môi trường…
“Lệ làng” khó bỏ
Các khoản thu được tính theo “khẩu” (tính trên đầu người dân), vì vậy, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng trẻ em vừa sinh ra đã gánh trên vai hàng chục các khoản phí phi lý. Các loại phí và cách thu phí tưởng chỉ tồn tại trong thời kỳ phong kiến nhưng lại đang rất phổ biến tại nhiều địa phương, vùng nông thôn hiện nay.
Hệ thống luật về phí và lệ phí đã quy định rất rõ ràng, chỉ Quốc hội được ban hành các khoản thu, tại địa phương là HĐND các cấp. Luật Phí và Lệ phí năm 2015 cũng được ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2017) để ngăn chặn tình trạng lạm thu các loại quỹ, phí tràn lan.
![]() |
Lạm thu phí đang xảy ra tại nhiều địa phương
Nhưng “phép vua thua lệ làng”, tại nhiều địa phương, lạm thu vẫn xảy ra. Người dân thoát khỏi khoản thu cũ, các khoản phí mới lại phát sinh. Thậm chí, khi bị kết luận sai phạm trong công tác thu phí, nhiều địa phương có “truyền thống” thu phí “ngoài danh mục cho phép” đưa ra lý lẽ, tất cả các loại phí đều được biểu quyết, họp bàn và do người dân “tự nguyện” đóng góp và đang đem lại lợi ích nhiều mặt cho người dân.
Nếu không được kiểm soát, “vấn nạn” lạm thu có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm. Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Các khoản thu phi lý đang khiến mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền tăng lên. Việc chỉ chú trọng thu phí mà bỏ qua việc nuôi dưỡng nguồn thu sẽ làm mất uy tín và suy giảm lòng tin của người dân vào chính quyền”.
Không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống chính quyền, việc lạm thu còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân, đặc biệt là những người dân nghèo. Các khoản phí “tự nguyện theo kiểu ép buộc” (không nộp sẽ bị bêu tên, nói xấu công khai trên loa, bị gây khó khăn khi làm việc…) đang trở thành những gánh nặng trên vai những người nông dân nghèo.
Lời giải cho “bài toán” lạm thu
Theo một thống kê mới đây của Bộ Nội vụ, số lượng cán bộ xã hưởng chế độ phụ cấp từ các khoản đóng góp của người dân lên tới 150 - 170 người (quy định chỉ được 50 người). Cả nước có 130.000 thôn, nhưng số lượng cán bộ thôn lên tới 1,5 triệu người (trong đó có 900.000 người được hưởng trợ cấp từ sự đóng góp cả người dân).
Bộ máy hành chính xã, thôn cồng kềnh là nguyên nhân chính khiến các địa phương phải đẩy mạnh các “chiến dịch” lạm thu phí để hoạt động. Do đó, để kiểm soát lạm thu, trước hết cần có giải pháp tinh giản bộ máy hành chính tại các địa phương, đặc biệt là tuyến xã và thôn.
Ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng phải phân biệt rõ ràng, không đánh đồng xã hội hóa với lạm thu. Xã hội hóa thể hiện trách nhiệm của người dân đối với xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Lạm thu là các khoản thu phi lý, gây khó khăn cho người dân. Vì vậy, các địa phương đang xảy ra tình trạng lạm thu cần điều chỉnh và dừng lại ngay.
Bên cạnh đó, Theo Gs.Ts. Phan Xuân Sơn - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, cần phải thực thi cơ chế dân chủ cơ sở một cách minh bạch, công khai thực chất. Người dân phải được họp bàn, đóng góp và quyết định các khoản phí, quỹ liên quan trực tiếp tới quyền lợi của họ. Các cuộc họp cần phải diễn ra minh bạch, thực chất với sự tham gia trực tiếp của người dân.
“Theo quy định, bất kỳ các khoản thu nào muốn được thông qua đều phải có sự đồng thuận của người dân. Biểu quyết phải đạt trên 50% người dân để ra quyết định thu phí”, ông Phan Xuân Sơn, nhấn mạnh
Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân cần đoàn kết, dũng cảm nói lên tiếng nói của mình trước những sai phạm của chính quyền. Nhà nước cần có những quy định rõ ràng, minh bạch (niêm yết rõ các khoản thu), giúp người dân biết đâu là sai phạm và biết phải phản ánh ở đâu, cách thức thế nào.
Hiến Nguyễn