Theo lộ trình, hơn 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng giá 20 - 30% vào đầu năm 2016 để giúp bệnh viện công lập tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp ngân sách đầu tư hỗ trợ người dân mua BHYT. Theo đó, mức điều chỉnh sẽ được áp dụng trước với những người có BHYT, còn với các đối tượng chưa có BHYT, mức điều chỉnh sẽ được áp dụng vào đầu tháng 4/2016.
![]() |
Những áp lực vẫn tồn tại, dù người dân nắm trong tay “bùa hộ mệnh” là thẻ BHYT
Người nghèo không bị tác động
Mức điều chỉnh tăng giá dịch vụ đang khiến nhiều người bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh nan y, vốn đã phải gồng mình để gánh những khoản viện phí, chi phí chữa bệnh, ăn ở… càng thêm lo lắng.
Tuy nhiên, khi đề cập đến những lo lắng của người dân, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, những điều chỉnh tăng giá đã được tính toán kỹ lưỡng và tuyệt đối không ảnh hưởng đến quyền lợi, thậm chí đem lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh.
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “Các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân vùng biển đảo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng… sẽ không bị ảnh hưởng khi giá dịch vụ y tế tăng. Vì Nhà nước đã bỏ chi phí 100% để mua thẻ BHYT, tức cấp không cho những nhóm người dân này”.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy nhóm các đối tượng được hưởng chế độ BHYT toàn phần, tức là khi đi khám, chữa bệnh sẽ được chi trả 100%, theo quy định của thẻ BHYT, chiếm hơn 20% dân số, với khoảng hơn 24 triệu người.
Nhưng, một vấn đề đặt ra là gần 80% dân số còn lại sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Bộ Y tế cho biết lộ trình điều chỉnh giá được áp dụng vào đầu năm 2016, chỉ hướng đến các đối tượng có thẻ BHYT. Còn với những người chưa có BHYT, phải đến tháng 4/2016 mới áp dụng mức giá mới. Nghĩa là người dân có gần 5 tháng để mua thẻ BHYT cho mình.
“Các ban, ngành, địa phương cần tích cực khuyến khích người dân hãy mua thẻ BHYT để được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sau khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng. Bộ Y tế mong muốn người dân sẽ chủ động mua thẻ BHYT để có thể được chi trả 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh”, ông Liên, cho hay.
Có BHYT, áp lực vẫn còn
Theo Bộ Y tế, việc tăng giá dịch vụ y tế là để bệnh viện có thể tự chủ về tài chính, tạo sự cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh, đồng thời, tăng thêm ngân sách giúp Nhà nước có tể tăng cường hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT. “Việc phải tự chủ tài chính buộc các bệnh viện phải nâng cao chất lượng phục vụ, nếu không, bệnh nhân ngoảnh mặt, bệnh viện sẽ phá sản”, ông Liên nói.
Giá viện phí tăng cũng được khẳng định là “không ảnh hưởng đến người nghèo”. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy những áp lực vẫn tồn tại, dù người dân nắm trong tay “bùa hộ mệnh” là thẻ BHYT. Mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ và người bệnh trở thành “Thượng đế” vẫn chỉ ở “thì tương lai” và còn xa vời.
Thủ tục quá phiền hà, phức tạp khiến nhiều người bệnh có thẻ BHYT nhưng lại ngại dùng khi đi khám, chữa bệnh. “Chạy lên chạy xuống xác minh đủ thứ để được hưởng BHYT. Đến lúc cần chuyển viện thì thủ tục quá khó khăn. Nhiều lúc sau khi lên tuyến trên, bác sĩ còn trách vì sao chuyển viện quá muộn”, anh Lê Tiến Đạt (quê Thái Bình), người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.
Ngay cả khi chấp nhận phiền hà để hưởng BHYT, với nhiều người, mức 20% tự chi trả vẫn là một gánh nặng lớn. Ông Nguyễn Phúc Bạch, bệnh nhân tại Viện K, chia sẻ: “Dù đã được BHYT chi trả 80%, nhưng mỗi tháng gia đình tôi vẫn phải vật lộn để kiếm đủ 4 triệu còn lại. Nghe tin giá viện phí tăng, tôi đang rất lo”.
Bộ Y tế cùng các ban, ngành, địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, nhận thức đúng về mục đích tăng giá dịch vụ y tế là tốt đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh công tác này, ngành y tế cần nhanh chóng giải quyết, khắc phục những tồn tại gây khó cho người bệnh hiện tại. Chỉ như vậy, những gánh nặng trên vai người bệnh mới hoàn toàn được trút bỏ.
Hiến Nguyễn