Những vụ việc nghiêm trọng liên tiếp xảy ra đòi hỏi cơ quan chức năng cần siết lại quản lý, đồng thời người dân cần cảnh giác để tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, mới đây cho thấy trong 10 tháng năm 2015, cả nước ghi nhận 150 vụ NĐTP, làm 4.077 người mắc, 21 người tử vong. Trong số đó, riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ, làm 2.302 người mắc, 2.268 người đi viện. Có 70% vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn (đặt dịch vụ) không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và 30% do bếp ăn tại chỗ.
“Điệp khúc” ngộ độc tập thể
Trước vụ việc hơn 80 người ngộ độc tại An Giang ngày 1/11 vừa qua, có lẽ nhiều người còn chưa quên được vụ việc xảy ra vào chiều 21/10, các bệnh viện ở huyện Bến Cát, Tp.Thủ Dầu Một và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu hàng nghìn công nhân công ty Giày Vĩnh Nghĩa có triệu chứng NĐTP sau khi dùng bữa trưa tại công ty.
Trước đó, ngày 15/10, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cũng đã tiếp nhận hơn 50 công nhân của công ty TNHH MTV Wondo Vina (xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) có dấu hiệu ngộ độc nặng, sau khi ăn bún riêu để chuẩn bị tăng ca. Đến sáng 16/10, có thêm nhiều người gặp tình trạng tương tự...
Đây chỉ là một số điển hình trong hàng loạt những ca NĐTP tập thể gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian ngắn vừa qua. Theo thống kê, chỉ trong một tháng qua (tính riêng từ ngày 25/9 - 25/10) cả nước liên tiếp xảy ra 13 vụ NĐTP, làm 813 người mắc và đi viện (rất may là không có ca nào tử vong). Trong đó, có 7 vụ ngộ độc do vi sinh vật (điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm…), 3 vụ do độc tố tự nhiên (như ăn cóc, nấm độc…).
Nguy cơ ngộ độc cao nhất đến từ các bếp ăn ca cho công nhân tại các KCN. Theo ghi nhận của Cục ATTP, tình trạng NĐTP trong năm 2015 đang có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm 2014. Nhưng đáng chú ý, là ngộ độc tập thể có xu hướng gia tăng tại các bếp ăn tập thể trong các KCN.
![]() |
Siết lại quản lý
Về nguyên nhân khiến NĐTP tập thể gia tăng, Ts. Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật - Bảo hộ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), nhận định: “Hiện, khẩu phần ăn của người lao động (NLĐ) tại các KCN còn quá thấp, chỉ giao động 11.000 - 13.000 đồng. Thậm chí, nếu trừ đi các khoản chi phí khác, giá trị thật của bữa ăn chỉ còn khoảng trên dưới 8.000 đồng. Như vậy, khẩu phần dinh dưỡng của công nhân không bảo đảm, do sản phẩm thực phẩm kém chất lượng”.
Hàng loạt các vụ NĐTP lớn, gây hậu quả nghiêm trọng gần đây cho thấy việc kiểm soát các nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm tại các khâu từ sản xuất tới sơ chế, vận chuyển, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các KCN vẫn chưa triệt để. Cần nhanh chóng “siết” lại quản lý trong công tác này để bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân.
Cục ATTP đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và đề nghị các DN bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng cho NLĐ thông qua chế độ giám sát của các tổ chức công đoàn, đồng thời các cơ quan quản lý và chuyên môn tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở không có giấy phép về ATVSTP.
Điển hình là tại Hà Nội, địa bàn tập trung hơn 3.214 bếp ăn tập thể ở những KCN, trường học. Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết: “Sở đã có văn bản yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã, Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyệt đối không để các bếp ăn tập thể không đủ ATVSTP hoạt động”.
Ngoài việc siết lại quản lý ATVSTP, ý thức của những đầu bếp tại các bếp ăn tập thể trong việc lựa chọn thực phẩm, chế biến thức ăn là yếu tố quyết định để đảm bảo ATVSTP. Ngoài ra, sự chủ động “tự bảo vệ mình” của người dân, NLĐ khi ăn tại các bếp ăn tập thể cũng là một giải pháp để giảm tình trạng NĐTP.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo “việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho công nhân có thể nâng cao năng suất lao động lên 20%”. Điều này cho thấy việc đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn tập thể không chỉ bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, mà còn là bảo đảm lợi ích, năng suất cho DN, phát triển kinh tế quốc gia.
Hiến Nguyễn