Thống kê từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước có 86,537 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 94,3% kế hoạch, đạt tỷ lệ 87,4% dân số tham gia BHYT. Việc tham gia BHYT đã giúp cho nhiều người dân trên cả nước đảm bảo chi phí khám chữa bệnh nếu chẳng may bị ốm đau, ổn định cuộc sống khi khỏi bệnh.
Giảm gánh nặng khi ốm đau
Đơn cử, số liệu của BHXH TP Hà Nội cho thấy, hiện trên toàn thành phố có hơn 1,4 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình. Với những lợi ích thiết thực mà BHYT hộ gia đình mang lại, nhiều người dân, lao động tự do càng ngày càng tin tưởng tham gia BHYT hộ gia đình.
Gia đình càng nhiều người tham gia, mức đóng bảo hiểm y tế càng thấp. |
Bà Nguyễn Thị Lan, 70 tuổi ở huyện Chương Mỹ cho biết, cách đây vài tháng bà không may bị tai nạn, bác sĩ chẩn đoán gãy xương đòn vai nên phải phẫu thuật. Chi phí phẫu thuật và nằm viện khoảng 15 triệu đồng, tuy nhiên nhờ tham gia BHYT nên số tiền mà bà phải chi trả chỉ 4 triệu đồng.
Vốn là một nông dân khỏe mạnh, không hay ốm đau, anh Nguyễn Văn Thể, quê Đan Phượng trước kia từng không quan tâm tới thẻ BHYT. Sau khi người thân của anh phát hiện bị bệnh ung thư, được sự tư vấn của cán bộ BHXH, anh Thể quyết định tham gia BHYT hộ gia đình cho cả nhà.
Anh Thể cho biết, tham gia BHYT hộ gia đình có điểm lợi là tổng mức đóng thấp hơn khi đóng cho từng cá nhân. Cũng nhờ tấm thẻ BHYT hộ gia đình mà mẹ anh bị ung thư được Quỹ BHYT hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh. Nhờ đó, gia đình anh mới không lâm vào cảnh nợ nần. Còn anh cách đây hơn một năm cũng phải mổ thoát vị đĩa đệm, tổng chi phí điều trị hết 17,5 triệu đồng, được thanh toán bảo hiểm 14 triệu đồng. Đây là khoản hỗ trợ rất lớn đối với gia đình còn khó khăn như gia đình anh.
Có thể thấy BHYT là chế độ an sinh xã hội nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân, do Nhà nước tổ chức, thực hiện không vì mục đích lợi nhuận. Người tham gia BHYT được Quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Qua đó, BHYT đã giúp nhiều người có thẻ BHYT vượt qua những khó khăn về kinh tế khi không may bị ốm đau bệnh tật.
Từ ngày 1/1/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định người dân được tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình. Gia đình càng nhiều người tham gia, mức đóng BHYT càng thấp.
Chính sách BHYT ngày càng phát triển, hoàn thiện theo hướng mở rộng và bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia. Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước đã có khoảng 64,231 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú với số tiền chi từ Quỹ BHYT là 46.294 tỷ đồng. Quỹ BHYT là nguồn tài chính đóng góp đáng kể cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Lợi ích từ tham gia BHYT hộ gia đình
BHXH Việt Nam cho biết, tham gia BHYT hộ gia đình từ người thứ hai trở đi sẽ được giảm trừ mức đóng. Cụ thể, gia đình càng nhiều người tham gia, mức đóng BHYT càng thấp.
Nếu như người thứ nhất có mức đóng là 4,5% mức lương cơ sở hiện hành, tương đương với 67.050 đồng/tháng (804.600 đồng/năm), người thứ hai trong gia đình tham gia BHYT có mức đóng giảm trừ chỉ còn 70% mức đóng của người thứ nhất, tương đương với 46.935 đồng/tháng (563.220 đồng/năm). Đến người thứ ba, mức đóng lại giảm tiếp xuống còn 60% mức đóng của người thứ nhất, tương đương 40.230 đồng/tháng (482.760 đồng/năm). Người thứ tư sẽ có mức đóng bằng 50% của người thứ nhất (33.525 đồng/tháng, 402.300 đồng/năm) và người thứ năm trở đi đóng 40% mức của người thứ nhất (26.820 đồng/tháng, 321.840 đồng/năm).
Điều đó cho thấy, chỉ riêng với việc quy định về mức đóng đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình, thể hiện tính nhân văn của chính sách.
Phương thức đóng BHYT hộ gia đình cũng rất linh hoạt và phù hợp với điều kiện kinh tế của người tham gia, khi có thể lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần, thông qua các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH.
Tuy mức đóng rất thấp nhưng lợi ích mà người có thẻ BHYT nhận được là rất lớn, được thanh toán không giới hạn trong phạm vi, mức hưởng. Đối với trường hợp khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến, khi đi khám, chữa bệnh tại tuyến xã; có chi phí khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng) tại thời điểm đi khám, chữa bệnh; có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, sẽ được thanh toán 100% tổng chi phí. Các trường hợp khác sẽ được thanh toán 80% tổng chi phí khám, chữa bệnh.
Đối với trường hợp khám, chữa bệnh BHYT không đúng tuyến, người bệnh được chi trả 100% chi phí khi điều trị ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện và điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Với tuyến Trung ương, người bệnh được hưởng 40% chi phí khám, chữa bệnh.
BHXH Việt Nam cho biết, người dân có thể đăng ký tham gia BHYT ở cơ quan BHXH tỉnh, huyện hoặc các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT. Với người tham gia BHYT lần đầu hoặc không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính, thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT. Trước khi thẻ BHYT hết hạn sử dụng, người tham gia cần gia hạn thẻ để có giá trị sử dụng liên tục, không bị gián đoạn và không ảnh hưởng đến quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT 5 năm liên tục.
Quang Minh