Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cho biết, kết thúc giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin Nano Covax đã cho kết quả an toàn.
Ba liều tiêm: 25mcg, 50mcg và 75mcg đều sinh miễn dịch tốt, trong đó, tỉ lệ có đáp ứng sinh miễn dịch - hiệu quả bảo vệ người tiêm không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 lên đến 90%. Liều tối ưu là những người được tiêm ở mức 75mcg.
Theo ông Quang, trong giai đoạn 2, vắc xin Nano Covax sẽ được tiêm trên 560 tình nguyện viên, từ 18 - 65 tuổi và do Học viện quân y thực hiện tại Hà Nội, Viện Pasteur TPHCM thực hiện tại Long An. Việc triển khai tiêm vắc xin Nano Covax tại 2 điểm như vậy sẽ tiếp nhận tình nguyện viên nhanh hơn so với 1 điểm như giai đoạn 1.
Dự kiến, ngày 26/2 sẽ triển khai tiêm mũi đầu tiên. Trong giai đoạn 2 sẽ chỉ tiêm 2 nhóm người tình nguyện, với 2 liều 50mcg và 75mcg.
Dự kiến tiêm vắc xin Covid-19 "Made in Việt Nam" vào tháng 5/2021 (Ảnh: Int) |
Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo kỳ vọng, việc nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng Nano Covax giai đoạn 2 có thể hoàn thành trong tháng 4, nhằm đánh giá chính xác hơn nữa liều tiêm tối ưu.
Ông Quang cho hay có thể sang tháng 5 năm nay, trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng, vắc xin Nano Covax có thể tiêm trong cộng đồng, cho những người có nguy cơ cao như nhân viên cảng hàng không, tiếp viên, các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch…
Về vắc xin nhập khẩu, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số Việt Nam thì phải có khoảng 100 triệu liều vắc xin.
Hiện nay, Bộ Y tế đã đàm phán với một số đơn vị và đã có cam kết theo Chương trình COVAX facility cung cấp khoảng 30 triệu liều vắc xin trong năm 2021, chủ yếu sử dụng trong 6 tháng cuối năm. Bộ Y tế cũng đã có cam kết với Công ty AstraZeneca cung cấp 30 triệu liều.
Như vậy, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 60 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.
"Hiện, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán với các công ty khác như Công ty Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ)... để đảm bảo vắc xin cho toàn bộ người dân. Trước mắt, vaccine sẽ ưu tiên cho những khu vực có dịch và những khu vực có nguy cơ cao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế cấp phép vắc xin trong điều kiện khẩn cấp.
Theo đó, chỉ trong thời gian 5 ngày, Bộ Y tế sẽ thực hiện tất cả các quy trình, từ hồ sơ cũng như các dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vắc xin để sớm đưa vắc xin tới người dân.
Bộ Y tế cũng khuyến khích các doanh nghiệp nếu có nguồn vắc xin nhập khẩu, có thể phối hợp với Bộ Y tế để đưa vắc xin về Việt Nam.
“Cố gắng trong năm 2021, mọi người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận với vắc xin”, Bộ trưởng cho biết.
Vắc xin AstraZeneca là vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam.
Đây là vắc xin do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển.
Hiện, vắc xin này đã được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác. Dự kiến ngày 23/2, lô vắc xin đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam.
Vũ Hồng