Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng dịch COVID-19 để tiếp nhận nguồn tài trợ, hỗ trợ cho việc mua, nhập khẩu, sản xuất vắc xin và sử dụng phòng dịch COVID-19 cho người dân.
Quỹ được giao cho Bộ Tài chính quản lý và hoạt động chịu sự thanh tra, kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng...
Về thẩm quyền quyết định chi, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sử dụng vắc xin phòng dịch COVID-19, trình Chính phủ quyết định.
Bộ Tài chính xuất quỹ để chi theo nội dung Thủ tướng phê duyệt và căn cứ hồ sơ đề nghị của Bộ Y tế.
Quỹ sẽ tự chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 cho người dân. Số dư của quỹ nếu có sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương để bổ sung nguồn lực cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước.
Bộ Tài chính cho hay, theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam sẽ cần mua 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua vắc xin khoảng 21.000 tỷ đồng; còn tiền vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng.
Về nguồn kinh phí để mua vắc xin, theo Bộ Tài chính, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng và ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức là 9.200 tỷ đồng.
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia ủng hộ tiền mua vắc xin phòng dịch. Chẳng hạn: Tập đoàn Hòa Phát ủng hộ 50 tỷ đồng, 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank cũng ủng hộ tổng số tiền 100 tỷ đồng, MB ủng hộ 30 tỷ đồng…
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, một trong những chủ trương căn bản, chiến lược của chúng ta để phòng chống dịch COVID-19, để đưa cuộc sống trở lại bình thường là làm sao để mọi người dân đều được tiếp cận vắc xin phòng COVID-19.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là huy động mọi nguồn lực trong xã hội làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo tiếp cận rộng nhất để người dân được tiêm vắc xin, nhằm kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vắc xin. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vắc xin cho toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Như vậy, cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, tuy nhiên nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.
Ông Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, mục tiêu của Việt Nam không những đảm bảo vắc xin tiêm chủng trong năm 2021 mà còn những năm tiếp theo. Do đó, Quỹ vắc xin ra đời để đảm bảo cơ chế tài chính trong tiếp cận vắc xin, để người dân Việt Nam đều được tiếp cận vắc xin.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, về lâu dài, nhu cầu vắc xin hàng năm tăng cao khi dịch kéo dài, kinh phí mua vắc xin rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
Thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng cũng ủng hộ số tiền lớn như: HTX Nông nghiệp Nam Sơn (Lâm Đồng) góp vào Quỹ vắc xin 50 triệu đồng; HTX Sinh Dược (Ninh Bình) ủng hộ 20 triệu đồng; Liên hiệp HTX sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn Ninh Bình ủng hộ 2 triệu đồng; HTX nông nghiệp Hợp Tiến ủng hộ 1,5 triệu đồng…
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc huy động sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, tổ chức cho Quỹ vắc xin là cần thiết. Hình thức là Nhà nước đứng ra chịu trách nhiệm mua và đứng ra mua để đảm bảo tính an toàn và khả năng kiểm soát dịch, chứ không phải là các đơn vị, doanh nghiệp tự ý mua vắc xin, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng; còn các doanh nghiệp sẽ ủng hộ tiền mua vắc xin.
Thanh Hoa