Trong đơn gửi đến các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng để khiếu tố, các hộ dân ở Cống Đồng Tây, thuộc tổ 22, phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân, Tp.Hải Phòng), cho rằng mặc dù họ đã cư trú ở Cống Đồng Tây từ năm 1990, Tổ kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (Tổ KK, BT, HTTĐC) quận Lê Chân đã không đưa đúng, đưa đủ diện tích đất ở đã đóng thuế của dân để tính đền bù… Theo đó, nhiều câu hỏi trong việc xác định diện tích để đền bù, giải phóng mặt bằng của Tổ KK, BT, HTTĐC quận Lê Chân cần được làm rõ.
Thu hồi của dân cho DN… thuê?!
Tại chứng chỉ quy hoạch số 109/CCQH ngày 2/8/2010 của Sở Xây dựng Tp.Hải Phòng cấp cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Việt Anh (công ty Việt Anh), tổng diện tích đất khai thác tại phường Vĩnh Niệm là 97.611,2 m2. Trong đó, đất xây dựng làm nhà ở biệt thự đơn, ghép: 55.141 m2, diện tích đất thương mại, dịch vụ: 7.703,6 m2, còn lại là diện tích đất cây xanh và đất phụ trợ, đường hè. Loại công trình xây dựng là nhà ở trung tâm thương mại, dịch vụ.
Theo Quyết định số 1321/ QĐ-UBND và Quyết định số 1320/QĐ-UBND, cùng ký ngày 25/6/2014, của UBND Tp.Hải Phòng cho công ty Việt Anh thuê đất, trong đó, diện tích đất làm nhà ở thương mại, thành phố cho công ty này thuê 70 năm (bán cho Việt Kiều - PV), còn diện tích đất để xây dựng công trình dịch vụ, thương mại cho thuê 50 năm.
Trong số diện tích công ty Việt Anh được UBND Tp.Hải Phòng cho thuê, có hơn 1.000 m2 đất là nhà ở của 6 hộ dân đã sinh sống ở Cống Đồng Tây từ năm 1990. Theo đó, UBND quận Lê Chân ra các quyết định thu hồi đất và Trung tâm Phát triển quỹ đất ra các thông báo để công ty Việt Anh đền bù đất với giá đất 6 triệu đồng/m2, theo biểu giá quy định của UBND Tp.Hải Phòng (kèm theo đền bù cây cối, vật kiến trúc trên đất). Trong thông báo không thể hiện có các khoản hỗ trợ di dời.
Theo tài liệu, các hộ dân đến khu đất Cống Đồng Tây xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải (nay là tổ 22, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) dựng nhà để ở từ năm 1990. Họ đã xây dựng nhà ở yên ổn, không tranh chấp với cứ ai từ đó đến nay".
Theo hồ sơ của các hộ dân cung cấp, năm 2011, các hộ bị truy thu thuế đất ở từ năm 1990 - 2010. Riêng hộ bà Nguyễn Thị Bích tiếp tục phải nộp thuế đất ở đến năm 2015.
Đóng thuế đất ở đầy đủ, nhưng năm 2014, để thực hiện thu hồi đất phục vụ dự án " Làng Việt Kiều", trong phương án chi tiết đền bù về đất và tài sản trên đất, các hộ đều bị… "bớt" về diện tích. Hộ bà Nguyễn Thị Bích bị thu hồi 200/300m2 đất ở đã đóng thuế, nhưng chỉ được đền bù 38,3m2 đất (?!).
![]() |
Đóng thuế 150m2 và bị thu hồi 121m2 nhưng bà Hiền vẫn không được tái định cư
Hộ Bùi Thị Hiền bị thu hồi 121/150m2 đất ở đã đóng thuế, nhưng chỉ được đền bù 68,44m2 (?!). Hộ bà Bùi Thị Mai đóng thuế đất ở 300m2. Thực tế, bà Mai sử dụng 460m2 (bà Mai thừa nhận lấn chiếm 160m2), bị thu hồi 339,5m2, nhưng chỉ được đền bù 102,5m2. Theo bà Mai, còn thiếu của bà 77m2 đã đóng thuế đất ở…
Tìm hiểu nguyên nhân bị "bớt" số diện tích đất ở của các hộ dân tại Cống Đồng Tây, làm việc với các đơn vị liên quan của UBND quận Lê Chân cho thấy: Cho dù các hộ dân đã cư trú, có hộ khẩu ở Cống Đồng Tây từ năm 1990, nhưng tại sổ mục kê và bản đồ của xã Vĩnh Niệm (sau này là phường Vĩnh Niệm), từ năm 1988 - 2004 vẫn chỉ thể hiện đất Cống Đồng Tây có diện tích 4.312m2, không hề được cập nhật cụ thể diện tích đất ở của mỗi hộ dân.
Năm 2005, tờ Bản đồ số 363a bất ngờ được ra đời, theo đó, trong khu vực Cống Đồng Tây có diện tích "đầm" là 3.190,6 m2. UBND phường Vĩnh Niệm cho hộ ông Nguyễn Văn Ngọc thuê 2/3 đầm, là 2.216m2 (có tài liệu chỉ thể hiện ông Ngọc thuê hơn 2.100m2) (?!).
Lấy bản đồ 2005 xác định đất 1990!!
Trả lời câu hỏi: Bản đồ 363a được lập trên cơ sở nào? Các phòng ban liên quan của quận Lê Chân không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, nại lý do: "Chúng tôi thuê một đơn vị độc lập đo đạc(?!)". Ông Bùi Văn Dũng - Trưởng phòng TN&MT quận Lê Chân, còn cho biết: "Chúng tôi lấy bản đồ năm 2005 để làm mốc xác định nguồn gốc, diện tích đất cho các hộ".
Điều 54 Luật Đất đai năm 1993 quy định: Căn cứ vào quỹ đất đai của địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức đất mà mỗi hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng để ở theo quy định của Chính phủ đối với từng vùng nhưng không quá 400m2; nhưng tại thời điểm trên UBND thành phố chưa quy định hạn mức giao đất cho công dân làm nhà ở.
Đến năm 2006, căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003, UBND Tp.Hải Phòng mới quy định hạn mức công nhận đất ở tại điều 6, Quyết định số 1518/2006/QĐ-UB ngày 12/7/2006. Theo đó, đất ở phường Vĩnh Niệm, Dư hàng Kênh hạn mức công nhận đất ở là 400 m2/hộ. Như vậy, mỗi hộ dân đóng thuế đất ở, sử dụng từ dưới đến 300 m2 đất từ năm 1990 là hoàn toàn phù hợp tại thời điểm chưa ban hành Luật Đất đai 1993.
Việc thu hồi đất đã đóng thuế đất ở của dân từ năm 1990 để cho DN thuê, xây nhà kinh doanh, kinh doanh dịch vụ thương mại đã là sự thiệt thòi lớn cho người dân, nhất là dân nghèo, nay lại bớt cả phần diện tích của các hộ dân nghèo đã đóng thuế đất hàng chục năm qua, hành động như thế nên chăng?
Vũ Trang