Hiện nay, tại làng Kinh Triều xã Thủy Triều, nhiều hộ dân nghe theo một số đối tượng kích động đã loan tin số tiền được nhận đền bù, hỗ trợ sẽ được chia về... cho các hộ dân, đã làm nóng trong làng Kinh Triều. Người dân lập chốt, đòi hỏi đền bù về đất, đề nghị bồi thường tài sản trên đất như: đê, cống, nhà lán... và hỗ trợ các vật kiến trúc trên diện tích 103ha đầm Chấu Kinh Triều làm ảnh hưởng tới tiến độ giải phóng mặt bằng.
Được biết, những kiến nghị, thắc mắc của người dân làng Kinh Triều, UBND huyện Thủy Nguyên đã nhiều lần trả lời bằng công văn, nhưng người dân vẫn chưa thông suốt.
![]() |
Đại diện người dân làng Kinh Triều đang giữ đất, chưa bàn giao mặt bằng khiến tiến độ dự án bị chậm
Đã đền bù đúng pháp luật
Ông Lê Anh Thân - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên, cho biết: “Căn cứ theo quyết định 58/2015/QĐ - UBND Tp.Hải Phòng, chúng tôi áp giá đối với các hạng mục cây trồng, vật kiến trúc... cho các hộ dân. Theo bảng đơn giá: giá cây dừa trưởng thành có độ cao lớn hơn hoặc bằng 5m, đường kính gốc lớn hơn 40cm được đền bù 550.000 đồng/cây. Liên quan đến độ sụt lún, hao mòn trong quá trình đắp đê cũng có quy định rồi, Trung tâm chỉ theo đó mà áp dụng”.
Liên quan đến thắc mắc về diện tích cây bần, các loại cây chắn sóng, dân không được hỗ trợ, đền bù. Trao đổi với Sở NN&PTNT Hải Phòng, chúng tôi được biết, Sở đã có Công văn số 995 trả lời kiến nghị bồi thường, hỗ trợ các hộ dân tại khu vực đảo Vũ Yên: Đảo Vũ Yên có vùng bãi triều của sông Cấm và sông Bạch Đằng rất thích hợp cho cây bần và các loại cây ngập mặn khác phát triển. Những năm trước đây, khu vực đảo Vũ Yên đã có rừng ngập mặn mọc tự nhiên, sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, do việc khai hoang vùng bãi triều và đất ngập nước để làm đầm nuôi trồng thủy sản, nên diện tích rừng trên bị chặt bỏ khá nhiều. Diện tích rừng còn lại chủ yếu ở ven kênh rạch nằm phía ngoài các bờ đầm nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, các hộ dân kiến nghị được bồi thường các loại cây trên (bần, sú, vẹt) là không có cơ sở.
Về việc nhiều người dân đòi được gặp chủ đầu tư vì họ cho rằng tiền đền bù là của nhà đầu tư, ông Nguyễn Trần Lanh - Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên, giải thích: “Theo quy định pháp luật, tiền đền bù, hỗ trợ lấy từ ngân sách. Nhà đầu tư chỉ ứng tiền cho Nhà nước (để đền bù, hỗ trợ), sau khi nhà đầu tư được thuê đất, số tiền ứng trước để đền bù, hỗ trợ được Nhà nước trừ đi chứ không phải nhà đầu tư đền bù cho dân”.
Mới đây nhất, UBND huyện Thủy Nguyên đã phối hợp với Sở TN&MT Hải Phòng tổ chức họp đối thoại với nhân dân làng Kinh Triều. Giám đốc Sở TN&MT Phạm Quốc Ka trả lời đối với kiến nghị của đại diện dân làng Kinh Triều như sau: Theo báo cáo của UBND xã Thủy Triều, diện tích 103ha đầm nuôi trồng thủy sản (NTTS) đầm Chấu Kinh Triều nguyên là đất bãi bồi ven sông Cấm, do nhân dân, xã viên HTX Đà Nẵng thôn Kinh Triều (xã Thủy Triều), tạo lập thành khu đầm NTTS từ năm 1959. Năm 1975, HTX Đà Nẵng và HTX Đồng Tiến hợp nhất thành HTX nông nghiệp xã Thủy Triều để quản lý sử dụng đầm Chấu Kinh Triều. Năm 1988, HTX nông nghiệp xã Thủy Triều chia tách ra thành hai HTX: HTX nông nghiệp Kinh Triều và HTX nông nghiệp Tuy Lạc. HTX nông nghiệp Kinh Triều được phân chia quản lý, sử dụng 103ha đầm Chấu Kinh Triều.
Do vậy, thực hiện Luật Đất đai năm 1993, Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993; Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 11/12/2000 của Chính phủ; Quyết định số 03-QĐ/UB ngày 4/1/1994 về giao đất ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân về quản lý quỹ đất công ích khó giao, khó chia của UBND thành phố, UBND huyện Thủy Nguyên đã chỉ đạo, yêu cầu UBND các xã, trong đó có UBND xã Thủy Triều nhận bàn giao đất ở đầm Chấu Kinh Triều từ HTX Kinh Triều để trực tiếp quản lý, sau đó cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê lại NTTS; dành kinh phí cho hoạt động công ích.
Chỉ duy nhất có HTX nông nghiệp Kinh Triều đã không bàn giao lại đất NTTS về cho UBND xã Thủy Triều. HTX vẫn sử dụng để cho các cá nhân thuê NTTS, hàng năm có nộp về cho ngân sách UBND xã Thủy Triều 20% doanh thu. Từ trước đến nay, số tiền thu được (từ việc cho thuê), HTX đưa vào hoạt động công ích, xây dựng các công trình phúc lợi.
Như vậy, HTX nông nghiệp Kinh Triều là đơn vị sử dụng đất ổn định, liên tục từ năm 1988 (trước ngày 15/10/1993) đến nay, nên việc UBND huyện Thủy Nguyên kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của HTX Kinh Triều là đúng đối tượng của người quản lý, sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.
Hợp tác xã có quyền phân chia?
Đối chiếu với quy định tại điều 76 Luật Đất đai năm 2013; khoản 3 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, diện tích 103ha đất NTTS đầm Chấu Kinh Triều không phải là đất giao cho cá nhân, hộ gia đình nên không thể bồi thường về đất cho các xã viên.
Đối với việc bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc trên 103ha đất đầm Chấu Kinh Triều và công cải tạo đất: Được biết từ năm 2008, HTX nông nghiệp Kinh Triều đã ký hợp đồng giao khoán cho ông Nguyễn Văn Hai. Đến năm 2013, hai bên lại gia hạn hợp đồng đến năm 2018. Giá trị hợp đồng ban đầu là 680 triệu, tuy nhiên do làm ăn thua lỗ nên hai bên giảm xuống còn 500 triệu đồng.
Theo hai bản hợp đồng, mỗi năm HTX Kinh Triều giao định mức cho ông Nguyễn Văn Hai là 20 triệu đồng để bồi đắp đê, khơi thông luồng lạch và 4 triệu đồng để duy tu, chỉnh trang các phần kiến trúc trên đất, nếu ông Hai đầu tư vượt số tiền trên (24 triệu), ông Hai phải tự bỏ tiền.
Tuy nhiên, theo Ban chủ nhiệm HTX Kinh Triều và nhiều nhân chứng cho hay: Ông Hai đã phải bỏ rất nhiều tỷ đồng để cải tạo 103ha đầm, xây dựng, cải tạo các cống, cải tạo đê, số tiền 24 triệu được cấp hàng năm chỉ là muối bỏ bể và đến năm 2018 mới hết hạn hợp đồng.
Căn cứ vào công lao đầu tư, xây dựng, cải tạo đất đầm Chấu Kinh Triều của hai bên (HTX nông nghiệp Kinh Triều và ông Nguyễn Văn Hai), căn cứ vào Luật Đất đai 2013, căn cứ Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, căn cứ Thông tư 37/2014/ TT- BTNMT và Điều 4 Quyết định số 2680/2014/QĐ-UBND của UBND Tp.Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên đã bồi thường, hỗ trợ vào khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại cho HTX Kinh Triều bằng 10% giá trị đất và ông Hai được 10% giá trị đất là hoàn toàn hợp tình, hợp lý.
Như vậy, kiến nghị của dân làng Kinh Triều đòi chia tất cả số tiền 20% đã chi phí đầu tư vào đất còn lại về cho từng hộ gia đình là không có cơ sở giải quyết.
Mặt khác, theo các tài liệu hiện có, HTX Kinh Triều đã sử dụng đất ổn định, liên tục như điều 95 Luật Đất đai 2013; Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Từ trước tới nay, các khoản thu được, HTX Kinh Triều đều để chi cho các hoạt động phúc lợi của làng Kinh Triều.
Như vậy, HTX Kinh Triều là chủ thể chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và có quyền quản lý, sử dụng số tiền 10% được đền bù, hỗ trợ từ 103ha đầm để phục vụ phúc lợi cho nhân dân làng Kinh Triều, không thể chia số tiền trên về cho từng hộ gia đình.
Mặc dù vậy, để công khai, dân chủ, UBND huyện Thủy Nguyên vẫn đề nghị dân làng tiếp tục cung cấp các tài liệu, giấy tờ, chứng từ liên quan chứng minh đó là đất của từng hộ gia đình, của dân làng… Để từ đó, đề nghị UBND Tp.Hải Phòng thành lập Tổ công tác liên ngành (cả Liên minh HTX thành phố)… tiến hành kiểm tra, rà soát, xác minh lại toàn bộ quá trình hình thành, quản lý, sử dụng, cho thuê đầm Chấu Kinh Triều, xã Thủy Triều, góp phần đảm bảo cho việc bồi thường, hỗ trợ công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi phục vụ các dự án đầu tư phát triển.
Vũ Trang - Thanh Vân