Để làm được điều đó, những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa để đưa nông sản vươn ra thế giới.
Thay đổi phương thức sản xuất
Tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thay đổi cây trồng, vật nuôi mà còn là thay đổi phương thức làm ăn sao cho thích ứng với thị trường trong thời kì hội nhập. Chính vì vậy, Đồng Tháp đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết, tích cực tìm kiếm thị trường để giải quyết bài toán “dội chợ”. Đây cũng là cách giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao giá trị nông sản và cũng là con đường ngắn nhất để tăng thu nhập cho nông dân.
Thời gian qua, Đồng Tháp đã chọn ra 5 ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu sản xuất, gồm: lúa gạo, hoa, cây cảnh, xoài, cá tra và vịt. Mỗi mặt hàng đều chú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể, đi đầu là HTX, Tổ hợp tác để dẫn dắt người dân liên kết sản xuất, kết nối với doanh nghiệp….
Tiêu biểu trong chuỗi lúa gạo là HTX Giống nông nghiệp Định An sản xuất trên diện tích gần 40ha. Giống lúa được HTX lựa chọn để tập trung phát triển là Ngọc đỏ hương dứa.Không chỉ triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng, đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn mà còn triển khai sản xuất lúa theo hướng an toàn, hữu cơ…
![]() |
Gạo Ngọc đỏ hương dứa của HTX Định An |
HTX đã thuê thêm 2 kỹ sư hướng dẫn người dân sản xuất; đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng nhiều hạng mục, như: phòng trưng bày, kho nguyên liệu, nhà sơ chế... tại trại nghiên cứu và sản xuất lúa giống của HTX.Đến nay, lúa tươi của HTX đã có một số doanh nghiệp đăng ký thu mua, người dân yên tâm vì giảm giá thành đầu tư, như lợi nhuận lại gia tăng.
Ngoài ra, các ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình sản xuất lúa tiên tiến như sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, qua đây giúp người nông dân tiếp cận được với khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất lúa, nâng cao nhận thức cũng như trình độ canh tác.
Cùng với cây lúa, xoài là cây trồng được tỉnh Đồng Tháp chọn lựa là một trong 5 ngành hàng của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã có 6 mô hình canh tác xoài rải vụ đủ điều kiện sản xuất an toàn với tổng diện tích trên 416 ha.
Các đơn vị sản xuất đã chủ động liên kết trong tiêu thụ xoài, nhiều công ty như Good life, Rồng Đỏ, Long Uyên và HTX xoài Mỹ Xương đã thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các nhà vườn, sản lượng xoài được các công ty liên kết thu mua đạt gần 4000tấn. Ngoài thị trường nội địa, xoài tươi còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc..., một số công ty phát triển các sản phẩm xoài chế biến dạng sấy và đông lạnh.
Cùng với lúa, xoài, diện tích hoa cây cảnh của tỉnh Đồng Tháp đã mở rộng lên gần 600ha đến thời điểm này. Hoa, cây cảnh Sa Đéc cũng đã góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, hình thành thương hiệu “Thành phố hoa Sa Đéc” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Dẫn dắt người dân sản xuất là HTX Tân Đông Quy khi tập trung ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường các giống hoa mới, đồng thời xây dựng được mô hình trồng hoa phục vụ du lịch.
Xây dựng thương hiệu
Đối với cá tra, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp người nuôi ổn định được đầu ra, từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất và kinh doanh từ nhỏ lẻ sang sản xuất có tổ chức, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật tiến bộ. Đồng thời giảm dần việc sản xuất tự phát, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra bị dư thừa, gây tổn thất cho người nuôi.
Tiêu biểu là chuỗi liên kết của HTX cá tra huyện Châu Thành kết nối doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, HTX thủy sản Phú Thuận B liên kết với công ty Phát Tiến.
Ngoài ra, tỉnh còn thu hút được 20 doanh nghiệp tham gia hoạt động nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích trên 965ha, chiếm khoảng 64% diện tích nuôi của toàn tỉnh.
Cùng với nuôi thả cá tra, người nông dân Đồng Tháp cũng đã thành lập ra các tổ hợp tác chăn nuôi gia cầm, trong đó chú trọng vào chăn nuôi vịt đàn, đây là thế mạnh của địa phương do có điều kiện tự nhiên thích hợp với nghề chăn nuôi vịt. Hiện Đồng Tháp thành lập được 6 tổ hợp tác chăn nuôi vịt hướng trứng với tổng đàn vịt là 227.690 con.
Tái cơ cấu nông nghiệp được đẩy mạnh giúp tốc độ dịch chuyển lao động từ nông nghiệp diễn ra nhanh chóng từ chỗ có đến 69% nay chỉ còn 53% trong tổng lao động xã hội, đời sống người dân cũng được cải thiện nhờ chú trọng liên kết sản xuất theo hướng hiện đại, chú trọng áp dụng công nghệ.
Tái cơ cấu nông nghiệp giúp mặt hàng nông nghiệp của tỉnh được kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm góp phần tạo dựng thương hiệu cho nông sản của địa phương, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Hiện, Đồng Tháp đang tập trung khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, miễn thuế vượt hạn điền để các chủ trang trại, tổ hợp tác mạnh dạn mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất lớn, đồng thời thí điểm một số chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn vay… để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn.
Như Yến