Tại hội thảo “Chuyển đổi sinh kế và tình trạng tài chính của một số tộc người thiểu số ở Việt Nam” do Liên minh Nông nghiệp tổ chức ngày 9/12, các chuyên gia đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình trạng mắc nợ của nông dân DTTS ở Tây Nguyên hiện nay. Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP) tiến hành tại Đăk Lăk và Lâm Đồng.
![]() |
Áp lực tâm lý “sợ” vay ngân hàng khiến nhiều người tìm cách tiếp cận tín dụng phi chính thức
Nợ mà “không” sợ?
Theo Ts. Hoàng Cầm - Viện Nghiên cứu Văn hóa, nghiên cứu cho thấy một tỷ lệ rất lớn các hộ nông dân DTTS tại chỗ đang phải gánh các khoản nợ khác nhau, với mức độ nợ từ 50 đến 240 triệu đồng.
Đáng chú ý, tới 70% mục đích các khoản vay là để đầu tư cho nông nghiệp, 7 - 8% là để trả các khoản nợ đã có (đáo nợ). Khoảng 90% số hộ được hỏi cho biết họ cảm thấy gánh nặng nợ là nghiêm trọng cho tới rất nghiêm trọng.
Phần lớn các hộ dân này đang phải vay nặng lãi từ tư nhân để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, với lãi suất lên tới 50 - 60%/năm, thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp như chính sách quy định.
Theo Ts. Hoàng Cầm, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến người dân phải vay nặng lãi từ nguồn tín dụng tư nhân: do không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, do thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm, phải chờ đợi từng đợt vay với lượng tiền quy định, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất.
Trong khi đó, vay từ tư nhân thủ tục rất đơn giản, không yêu cầu thế chấp, đáp ứng ngay khi có nhu cầu với lượng tiền cho vay cao hơn. Áp lực tâm lý “sợ” vay ngân hàng khiến nhiều người tìm cách tiếp cận tín dụng phi chính thức.
Bà K’ho, người dân sống ở buôn Biết - địa bàn cư trú lâu đời của người M’nông Rơ Lăm, thuộc huyện Lăk (tỉnh Đăk Lăk), chia sẻ: “Muốn vay Nhà nước phải ký hết giấy này đến giấy kia. Nếu vay trên 15 triệu còn phải bắt hết con cái trong hộ khẩu ra ngân hàng ký. Trong khi vay bên ngoài chỉ cần… alo một câu là có ngay”.
Theo bà K’ho, mặc dù người DTTS thích vay của Nhà nước, lãi suất thấp hơn so với tư nhân, nhưng Nhà nước không cho vay nhiều, trong khi nhiều hộ dân có nhu cầu vay nhiều tiền. Tư nhân thì khác, họ có thể cho vay dễ dàng hơn. Hơn nữa, người dân buôn Biết sợ vay Nhà nước vì nếu không trả đúng hạn có thể bị ngân hàng tới nhà, thu hết tài sản. Còn tư nhân thì không đến tận nhà, gặp gỡ chỉ nhắc nhở thôi. Vay Nhà nước không thể khất nợ được, tới hạn phải vay nóng để đáo nợ ngân hàng.
Trường hợp bà K’ho buôn Biết không phải đơn lẻ, mà là đại diện của rất nhiều người DTTS sống ở buôn Biết. Chị Ten, cán bộ phụ nữ buôn Biết chia sẻ: “Hiện người dân buôn Biết đang phải đối mặt với hiện trạng sinh kế rất bi quan, đặc biệt là vấn đề nợ xấu. Nợ, đi kèm là tỷ lệ lãi suất cao”.
Theo chị Ten, nợ là chủ đề nóng nhất mà các chị em phụ nữ của buôn bàn luận trong các buổi tụ tập ở nhà nguyện Tin Lành vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần trong nhiều năm qua. Chính chị Ten cũng đang phải gánh khoản nợ với tổng số tiền khoảng 50 triệu đồng, chưa tính tiền lãi.
Tuy có diện tích đất trồng trọt khá lớn, song đã vài tháng nay, cả gia đình chị Ten, với 4 thành viên, ít khi có những bữa cơm được cải thiện bằng cá, hay thịt mà thường xuyên chỉ là cơm với muối hay rau rừng trừ bữa.
Tín dụng đặc thù
Khi được hỏi đến khi nào hai vợ chồng tính sẽ trả hết các khoản nợ, chị, giống như nhiều người khác ở buôn Biết, chỉ cười trừ kèm theo những cái lắc đầu khá tuyệt vọng. Tuy nhiên, Ten khẳng định gia đình chị vẫn sẽ tiếp tục phải vay nếu có thể vay được, cho dù đó là các khoản vay với lãi suất “cắt cổ”, ngoài sức tưởng tượng. Nói cách khác, chị Ten dự định vẫn sẽ tiếp tục vay nợ.
Ts. Hoàng Cầm cho rằng không gian sinh tồn ngày càng thu hẹp, người nông dân DTTS tại Tây Nguyên đã không còn áp dụng các phương thức sinh kế cổ truyền nữa. Họ chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa với nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất rất cao, trong khi hệ thống tín dụng của Nhà nước chưa đáp ứng được và tình trạng thua lỗ từ mùa vụ thì liên tục tái diễn. Nếu tiếp tục sản xuất và đầu tư theo phương thức này người DTTS sẽ không thể thoát ra khỏi vòng xoáy nợ nần, nghèo khổ và tiếp tục chịu nhiều định kiến nặng nề của xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, để giúp các cộng đồng DTTS tại chỗ tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư sản xuất, thoát khỏi cảnh vay nợ với lãi suất cao từ tư nhân, Nhà nước cần nghiên cứu để xây dựng một hệ thống tín dụng đặc thù, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội cụ thể cho các cộng đồng DTTS tại chỗ, tại địa bàn.
Quỹ tín dụng này cần được xây dựng độc lập hay có thể lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số của Nhà nước đang được thực hiện như Chương trình 30a hay chương trình 135 giai đoạn III.
Thu Hường