Chết chóc, tự tử, hút trích, nghiện ngập, bạo lực… là nội dung của các câu chuyện được thu âm sẵn trong một số loại đồ chơi "thông minh", xuất xứ mập mờ, dành cho trẻ em, đang được bán trôi nổi, tràn lan trên thị trường và chỉ cần một phút thờ ơ là các bậc cha mẹ sẽ vô tình "làm hại" chính con cái mình.
"Loạn" thị trường đồ chơi cho trẻ
Trong khi các loại đồ chơi chứa chất độc hại, gây ung thư, rối loạn sinh trưởng, phát triển của trẻ, còn chưa được ngăn chặn triệt để thì thông tin về một số loại đồ chơi hiện đại, biết kể chuyện với các nội dung không lành mạnh, có thể tác động xấu đến trẻ em, đang khiến các bậc phụ huynh xôn xa lo lắng.
Cách đây không lâu, dư luận ồn ào về những chiếc điện thoại đồ chơi kể chuyện về khu rừng đầy "nghiện ngập", với sói hít heroin, cọp chích thuốc, thỏ say thuốc lắc… Nay, thị trường đồ chơi "thông minh độc hại" lại xuất hiện thêm những con búp bê, mèo máy, hộp quà… kể những câu chuyện với những nội dung đầy bạo lực, chết chóc…
Loại này chưa dẹp, loại khác đã lan tràn, khiến thị trường đồ chơi cho trẻ "loạn nhịp", còn các bậc cha mẹ thì vì thờ ơ, thời gian bận rộn, chiều theo ý thích của con trẻ mà vô tình mua phải những loại đồ chơi "độc hại" cho các bé.
Cha mẹ cần phải tỉnh táo khi mua đồ chơi cho con trẻ
Chị Phan Thanh Hà (đường K3, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cho bé đi mua đồ chơi. Bé nhìn thấy chú mèo máy Doraemon là thích ngay, vì nó vừa đẹp, lại biết kể chuyện, nên mình mua cho bé. Nhưng khi về đến nhà, bé mở lên, mình mới giật mình và không cho bé chơi nữa. Mình rất tiếc vì đã không kiểm tra kỹ khi mua".
Dù có nội dung không tốt, nhưng vì giá rẻ, đẹp, thu hút khách hàng nên các loại đồ chơi "nguy hại" đang ngày càng phổ biến trên thị trường. Chị Thu, chủ một cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã (Hà Nội), cho biết: "Các loại đồ chơi này có giá rẻ, hiện đại, đẹp mắt nên thu rất hút khách hàng, vì vậy, rất nhiều cửa hàng có bán. Gần đây, nhà tôi nhập khá nhiều để chuẩn bị cho trung thu sắp tới".
Điều đáng nói là trong khi loại đồ chơi "thông minh" nhưng độc hại này đang ngày càng phổ biến, thì hoạt động của các cơ quan quản lý vẫn chưa thực sự hiệu quả. Dù các lực lượng quản lý thị trường đã phá nhiều vụ buôn lậu đồ chơi, thu giữ nhiều mẫu đồ chơi "độc hại"… nhưng những hoạt động kinh doanh không có giấy phép vẫn diễn ra khá phổ biến.
Cha mẹ cần thận trọng
Theo quy định, từ ngày 25/4/2010, tất cả các loại đồ chơi sản xuất ở trong nước và nước ngoài, muốn được lưu hành, kinh doanh khi được chứng nhận hợp quy, với dấu hoặc tem tiêu chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, các chủ cửa hàng đồ chơi vẫn bất chấp nguy hại cho người dùng. Và trên thực tế, đã có không ít trường hợp, trẻ em trở thành nạn nhân của các món đồ chơi hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục, cho rằng: "Đồ chơi càng hiện đại càng phải cảnh giác, vì những nội dung trong đồ chơi phát ra có thể ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ của trẻ. Trẻ em rất nhạy cảm và nhớ rất lâu các chi tiết gây tò mò. Và nếu không được kiểm soát, định hướng đúng lúc, những suy nghĩ dễ biến thành hành vi sai trái".
Trước những nguy cơ này, ông Vịnh cho rằng các cơ quan quản lý cần phát huy vai trò của mình cao hơn nữa, kiểm soát chặt chẽ thị trường đồ chơi của trẻ để kịp thời ngăn chặn, triệt phá và thu giữ các mặt hàng đồ chơi trái quy định. Cần phải mạnh tay hơn nữa với những kẻ buôn lậu đồ chơi và cả những cửa hàng kinh doanh "tiếp tay" cho hàng lậu".
Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích của con trẻ, trách nhiệm cao nhất thuộc về các bậc cha mẹ. Khi các loại văn hóa phẩm độc hại vẫn còn hoành hành thị trường, trách nhiệm của các bậc cha mẹ càng phải nâng cao. Khi mua các loại đồ chơi, các loại sách điện tử, truyện tranh… cha mẹ cần lưu ý đến nguồn gốc, xuất xứ, kiểm tra chất lượng, nội dung thật kỹ càng trước khi cho phép trẻ em sử dụng.
Sự thận trọng và thông minh của cha mẹ khi mua sắm đồ chơi, văn hóa phẩm… sẽ là tương lai và sự phát triển tốt của con cái.
Hiến Nguyễn