Chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2017, dự kiến tổ chức vào ngày 17/5 tới, Hiệp hội DN Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã gửi lên Thủ tướng hàng loạt kiến nghị liên quan tới các loại thuế, phí.
Hàng loạt kiến nghị
Hiệp hội này kiến nghị cần có sự thống nhất trong quản lý. Để có sự thống nhất giữa người quản lý thu phí và người tính phí để nộp, theo Hiệp hội, cần có quy định cụ thể, rõ ràng đối với tỷ lệ quy đổi giữa các đơn vị đo lường của khoáng sản để tính phí đối với từng loại hình khoáng sản.
“Cần có sự thống nhất về mức thu của tất cả các địa phương trên toàn quốc. Đối với các loại hình mỏ khoáng sản như nhau, quy trình, dây chuyền công nghệ khai thác như nhau, đương nhiên ở mức độ ô nhiễm môi trường như nhau. Do đó không thể 2 mỏ nằm gần nhau cùng vị trí địa lý nhưng vì ở 2 địa phương khác nhau mà mức thu phí khác nhau là không hợp lý”, Hiệp hội nêu.
Nếu mức thu phí được coi là “bốc thuốc”, thì tại mỗi thời điểm nhất định cần quy định luôn cố định một mức phí cho mỗi loại quặng khoáng sản tại thời điểm đó chung cho toàn quốc.
Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị bãi bỏ phí, lệ phí trong lĩnh vực khoáng sản. Theo báo cáo của công ty Kiểm toán quốc tế PWC, nghiên cứu 22 nước có khai thác khoáng sản thì không tìm thấy nước nào thu 17 loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách nhiều như ở Việt Nam.
Cụ thể về thuế, Hiệp hội phân tích: Theo bảng khung giá Bộ Tài chính lấy theo giá FOB là chưa phù hợp bản chất (vì giá bao gồm chi phí vận chuyển, thuế VAT, chi phí chế biến XK, đóng gói...). Mặt khác, khai thác ra bán cho nhà máy trong nước dùng làm nguyên liệu sản xuất mà đánh giá FOB là không đúng, mà phải trừ đi các chi phí thì mới ra thuế tài nguyên.
Trong khung giá tính thuế bao gồm giá tối thiểu và giá tối đa, nhưng giá tối thiểu quá cao. Theo Thông tư 41 cấm XK đá hộc đến 2015 (do để xây dựng nhà máy chế biến). Để xây dựng một nhà máy chế biến bảo đảm thu hồi vốn đòi hỏi vùng nguyên liệu rất lớn. Do chính sách này, tại tỉnh Nghệ An có 24 mỏ thì 11 mỏ đã đóng cửa.
Đối với mỏ kim loại, do cơ quan tính thuế không hiểu chuyên môn, nên áp giá tính thuế không đúng bản chất. Đó là tính thuế trên quặng, chứ không phải kim loại, vì để từ quặng thành kim loại phải qua rất nhiều công đoạn chế biến tuyển luyện...
![]() |
Nên bãi bỏ một số loại phí, lệ phí trong lĩnh vực khoáng sản
Ngân sách vẫn thất thu
Về phí, Hiệp hội cho biết, theo quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản, DN khai thác phải có trách nhiệm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác tại nơi khai thác và khu vực chịu tác động ảnh hưởng, phải thực hiện công tác phục hồi môi trường sau khai thác theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Số kinh phí thực hiện đã được dự toán đầy đủ trong báo cáo tác động môi trường, do đó DN khai thác bắt buộc phải thực hiện công tác BVMT trong khai thác và cải tạo phục hồi môi trường bằng hoặc hơn số tiền đã được dự toán trong báo cáo.
Đại diện Hiệp hội cho rằng mức phí BVMT quy định đang quá cao, trung bình ở mức từ 3,2 - 3,5%, trong khi đó, khoáng sản còn phải chịu thuế tài nguyên 15%, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền thực hiện công tác BVMT.
Liên quan tới vấn đề thuế phí tài nguyên, công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Minh Đức kiến nghị, điều chỉnh các loại thuế phí tương ứng với biến động của giá cả thị trường và xác định thuế tài nguyên cần dựa trên giá trị thật của tài nguyên làm cơ sở tính thuế.
Theo công ty Minh Đức, việc tính thuế tài nguyên đối với các loại khoáng sản hiện nay theo giá bán là chưa hợp lý. Bởi khi đơn vị sản xuất xác định giá bán dựa trên rất nhiều yếu tố, gồm: chi phí nguyên nhiên vật liệu, tiền lương, khấu hao, vật tư điện nước, phí quản lý... và một phần lợi nhuận của DN. Do đó, nếu tính thuế tài nguyên dựa trên giá bán là hoàn toàn chưa đúng, bởi khấu hao, tiền lương... cũng chịu thuế tài nguyên.
Liên quan tới các loại thuế, phí, ông Nguyễn Minh Đường - Chủ tịch Hội Tuyển khoáng Việt Nam, từng đặt câu hỏi, các năm gần đây, các khoản thu liên quan đến khoáng sản tăng lên, nhất là thuế liên quan đến tài nguyên năm 2016 đã tăng đồng loạt 2%, nhưng không thấy lý do vì sao.
Hoạt động khai thác thường đóng ở nơi địa hình cao, địa phương kém phát triển, nên phía địa phương còn yêu cầu thêm các khoản thu khác như thu ủng hộ địa phương trong ngành khai khoáng, sửa chữa cơ sở hạ tầng.
Theo tính toán hiện nay, thuế tài nguyên môi trường và phí môi trường đang chiếm 30 - 37% giá thành và thu phí quá cao đã dẫn đến tình trạng DN chỉ khai thác quặng giàu, lãng phí tài nguyên. Trong khi đó, ngân sách nhà nước lại thất thu.
Hiện nay, ngành tài nguyên (ngoài dầu khí) chỉ đóng góp vào ngân sách 0,9 - 1,1% tổng thu. Thậm chí, nhiều địa phương phản ánh số tiền này không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác KS. Xem ra đây là nghịch lý cần phải giải quyết.
Thy Lê