Mùa hè nắng nóng, có một cốc nước mát uống vào làm dịu cơn khát tức thời là nhu cầu của rất nhiều người. Đến hẹn lại lên, các cửa hàng kinh doanh nước giải khát trên khắp các nẻo đường, ngõ xóm đến mùa hái tiền.
Cẩn trọng đồ uống không rõ nguồn gốc
Cùng với quán bán quà vặt liền kề nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội là các xe đẩy bán trà sữa giá rẻ. Chỉ cần bỏ ra khoảng 8.000 - 12.000 đồng, các thực khách chủ yếu là những em học sinh có thể có ngay một cốc trà sữa với nhiều vị như xoài, dâu, cam, táo, vải, dưa hấu… với hương thơm nức mũi cùng với những viên trân châu đủ sắc màu. Nguyên liệu để làm ra những cốc trà sữa trên là bột trà sữa đựng trong lọ, những can đựng siro với đủ màu sắc sặc sỡ, những viên trân châu cũng sắc màu không kém.
Chị Lan, sở hữu một xe đạp trên có đặt hộp đựng các vị trà, si rô, trân châu chiều nào cũng án ngữ tại một trường học trên địa bàn Hà Nội, cho biết: Trà sữa chị bán quanh năm nhưng mùa hè sản phẩm này vẫn bán chạy nhất. Bình quân mỗi ngày, chị bán được khoảng 50 - 70 cốc trà. Đối tượng phục vụ chủ yếu vẫn là các em học sinh.
Hà Nội có rất nhiều người bán trà sữa dạo theo kiểu của chị Lan. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi hỏi về các nguyên liệu pha chế, thành phần ra sao thì chị Lan cũng như những người bán hàng khác không trả lời được. Theo những người bán trà sữa, nguyên liệu họ nhập từ đại lý, được đại lý hướng dẫn pha chế, chỉ biết là xuất xứ từ Trung Quốc, còn thành phần cụ thể ra sao chính người bán cũng không biết.
Theo tiết lộ của một người bán trà sữa lâu năm, trên thực tế, món được gọi là “trà sữa” đó không chứa sữa, cũng không có trà. Thành phần của nó đa phần là kem béo pha lẫn với bột “trà” cùng với các chất phụ gia khác, như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu chế tác thành. Một thìa bột nguyên liệu pha thành ly trà sữa có vị thơm ngọt đậm đà hơn hẳn 10 ly sữa tươi.
Các chuyên gia khuyến cáo: Mỗi ly trà sữa chứa đựng một lượng đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa lớn, những thành phần này đều không tốt cho sức khỏe. Thành phần chủ yếu của hạt trân châu chủ yếu là tinh bột lọc, đường cô đặc, hương liệu thực phẩm. Đường cô đặc là một loại chất phụ gia thực phẩm, nhưng hàm chứa nhiều nguyên tố độc hại như thủy ngân (Hg), chì (Pb) và thạch tín (As).
Ngoài ra, để có độ dai, dòn, dẻo người ta đã dùng đến bột nhựa Polime để trộn vào và người tiêu dùng khi uống trà sữa đồng nghĩa với việc họ đang ăn nhựa. Ngoài thành phần độc hại có trong hạt trân châu, nếu dùng không đúng cách còn có thể gây ra hóc chết người.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người thường xuyên sử dụng trà sữa, nhất là các loại trà sữa có pha thêm chất phụ gia có thể dẫn tới tổn thương chức năng của gan, thận, gây các bệnh về tim mạch, ung thư, hen suyễn, thở khò khè, trẻ nhỏ giảm trí lực, người lớn thì vô sinh.
![]() |
Đối tượng phục vụ trà sữa dạo chủ yếu là học sinh
Sinh tố thơm ngon nhờ chất tạo mùi
Cùng với trà sữa, sinh tố là loại đồ uống được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, đây cũng là loại thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh tại một số quán cà phê trên địa bàn Hà Nội, hoa quả dùng để xay sinh tố được tận dụng từ những hoa quả đã bị dập nát, thối hỏng. Vì lợi nhuận, nhiều chủ cửa hàng nhập hoa quả Trung Quốc, hoa quả thối về chế biến phục vụ nhu cầu của khách. Để che giấu mùi hoa quả hỏng, sữa và si rô được các chủ cửa hàng tận dụng trộn vào thành phẩm.
Một chủ cửa hàng tiết lộ, tại chợ Đồng Xuân, si rô trái cây nhiều vị được bán với giá rất rẻ, chỉ khoảng 100.000 đồng/lít. Để có một cốc sinh tố thơm ngon, chỉ cần vài giọt hương liệu hóa chất tạo mùi, người bán hàng có thể tạo ra ngay được một cốc sinh tố, nước ép thơm ngon, đậm hương vị tự nhiên.
Ngoài ra, chưa kể đến những viên đá bẩn, thành phần không thể thiếu có trong những ly nước giải khát mát lạnh cũng tiềm ẩn đầy nguy cơ. Trên thị trường, không ít sản phẩm đá được làm từ những loại nước ô nhiễm, không bảo đảm ATTP. Theo khuyến cáo của các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đá lạnh dưới 00C cũng không có tác dụng diệt khuẩn. Nếu sử dụng phải nước đá chứa vi khuẩn, người tiêu dùng có nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy, đau dạ dày, các bệnh về đường ruột, viêm họng mạn tính...
Trước những thông tin về việc sử dụng hương liệu, hóa chất để chế biến đồ uống, Bộ Y tế đã tiến hành lấy mẫu các sản phẩm trà sữa trên thị trường để kiểm nghiệm, tìm hóa chất cấm.
Ts.Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP, Bộ Y tế), cho biết trên thị trường Việt Nam, ngoài những nguyên liệu pha chế trà sữa trân châu do các cơ sở trong nước sản xuất, thì mặt hàng này còn được nhập từ Đài Loan. Với các loại nước ngọt, nước giải khát đóng chai thường chứa CO2, chất làm ngọt và thêm hương liệu... không tốt cho sức khỏe nếu uống quá nhiều, nhất là với trẻ em.
Thu Hường