Liên Bộ Y tế - Tài chính sắp ban hành thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó tính thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và cả tiền lương của nhân viên y tế. Theo đó, các dịch vụ này sẽ được điều chỉnh và cộng trực tiếp vào viện phí, bệnh nhân sẽ phải trả thêm chi phí điều trị.
Không BHYT sẽ bị tác động mạnh
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho hay: “Liên Bộ Y tế - Tài chính sẽ tiến hành hoàn chỉnh dự thảo và ban hành thông tư chính thức về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sau khi có ý kiến chính thức từ Thủ tướng. Theo đó, có 26 loại hình dịch vụ y tế với hàng ngàn hạng mục thuộc nhiều chuyên khoa, sẽ được kết cấu giá theo mức phẫu thuật, thủ thuật, bao gồm 4 loại: loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III”.
Loại đặc biệt bao gồm các chuyên ngành như: phụ sản, bỏng, răng hàm mặt, tạo hình thẩm mỹ, tai mũi họng, nội tiết, ung bướu…, phụ cấp dự kiến ở mức 1.280.000 - 1.480.000 đồng/ca cho kíp 6 - 7 người. Phẫu thuật ngoại khoa và nội soi được đề xuất cao nhất, là 1.520.000 đồng/ca với kíp mổ gồm 8 người. Phẫu thuật loại I, mức phụ cấp là 660.000 đồng/ca/kíp mổ 7 người. Loại II là 310.000 đồng/ca/kíp mổ 6 người. Loại III là 175.000 đồng/ca/kíp mổ 5 người.
Không chỉ phụ cấp phẫu thuật, người bệnh dự kiến sẽ phải “gánh” thêm lương của nhân viên y tế. Đồng thời, một số khoản phí khác như: phụ cấp trực, giá giường nằm, giá khám bệnh, chẩn đoán… cũng tăng theo.
Viện phí tăng, chất lượng dịch vụ liệu có tăng?
Mức tăng viện phí dự kiến khá cao khiến cho nhiều người bệnh, đặc biệt là những người thu nhập thấp phải lo lắng. Nhưng, theo ông Liên, người nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), trẻ dưới 6 tuổi sẽ không bị ảnh hưởng. Vì Luật BHYT mới áp dụng từ ngày 1/1/2015 đã chi trả 100% viện phí cho người nghèo. Người cận nghèo cũng được giảm đồng chi trả từ 20% xuống còn 5% viện phí.
Đối tượng chịu tác động mạnh nhất khi viện phí tăng là những người không có thẻ BHYT. Tuy nhiên, trong số những người không có BHYT thì có đến hơn 4 triệu người cận nghèo, người lao động, người làm nghề tự do… Cũng theo lộ trình đến năm 2020, mục tiêu 80% người dân sẽ có BHYT, nhưng đây cũng là thời điểm viện phí được tính đúng, tính đủ hoàn toàn, vì vậy, 20% dân còn lại sẽ ảnh hưởng mạnh.
Tăng phí, tăng chất lượng?
Xã hội phát triển cộng thêm tính “đặc thù” của nghề, viện phí tăng là điều tất yếu mà người bệnh phải chấp nhận. Nhưng điều người dân quan tâm là giá dịch vụ tăng nhưng liệu chất lượng dịch vụ có được cải thiện hay không?
PGs.Ts Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng nhận định: “Khi viện phí tăng lên, ngân sách dành cho bệnh viện sẽ giảm. Để tồn tại và phát triển được, bệnh viện sẽ phải dựa vào nguồn thu từ người bệnh. Trước áp lực thu hút người bệnh, bệnh viện sẽ buộc phải tăng chất lượng dịch vụ”.
Theo ông Khuê, điều chỉnh giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan trong quá trình hội nhập. Trên giấy tờ là tăng chi phí khi thực hiện các dịch vụ y tế, nhưng thực chất đây là quá trình chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước phải bao cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được cải thiện cũng là hy vọng của nhiều người dân trước việc viện phí tăng mạnh. Bà Trần Thị Như Băng - người bệnh tại Viện Huyết học, chia sẻ: “Viện phí tăng theo quy định của Nhà nước thì chúng tôi phải tuân theo. Nhưng chỉ hy vọng bệnh viện sẽ chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, thái độ phục vụ của y, bác sĩ cũng nhiệt tình hơn”.
Ông Phạm Quý Sơn - bệnh nhân tại bệnh viện K Trung ương, hy vọng: “Viện phí tăng mong rằng quá trình khám chữa bệnh của người bệnh sẽ nhanh chóng, thuận tiện hơn, giảm bớt thời gian điều trị tạo thuận lợi cho người bệnh chúng tôi”.
Đây hẳn cũng là mong muốn của hầu hết người dân và các cấp ngành y tế. Tuy nhiên, tăng chất lượng dịch vụ y tế là một quá trình dài hơi, khó có thể đòi hỏi trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, trước khi nghĩ đến một sự hài lòng khi đến bệnh viện, bản thân mỗi người dân, hãy duy trì một chế độ sinh hoạt hợp lý để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Hiến Nguyễn