Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến bộ ngành về Luật Việc làm sửa đổi. Góp ý cho dự thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% bình quân tiền lương tính đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trước khi nghỉ việc. Mức đề xuất này tăng 15% so với mức trợ cấp hiện hành (mức trợ cấp thất nghiệp hiện hành là 60%).
Lý giải về đề xuất này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, đa số các doanh nghiệp đóng BHTN theo mức tối thiểu vùng và mức lương này còn thấp. Cơ quan chức năng cần tăng trợ cấp thất nghiệp lên 75% nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm.
Với tiền lương bình quân đóng BHTN khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận được 3,3 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó theo thống kê của công đoàn, chi tiêu bình quân của gia đình lao động vào giữa năm 2023 khoảng 11,7 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp như trên chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình lao động.
Giai đoạn 2015-2023, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trả khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm. |
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất, người đóng BHTN nhưng đến khi nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì được hưởng 50% số tiền đã đóng vào Quỹ BHTN. Người lao động tham gia BHTN liên tục từ tháng 145 trở đi, cứ tham gia thêm đủ 12 tháng thì được hỗ trợ thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi tham gia BHTN cho người lao động.
"Giới hạn thời gian hưởng tối đa 12 tháng dễ dẫn tới người lao động làm việc đủ 12 năm sẽ nghỉ để hưởng trợ cấp cho đỡ thiệt thòi, thậm chí rút BHXH một lần, doanh nghiệp mất đi lao động lâu năm", Công đoàn nêu quan điểm, lý giải tâm lý chung của người lao động là không nhìn thấy quyền lợi thì không tiếp tục tham gia và dễ lựa chọn hình thức bảo hiểm khác.
Quá trình tiếp thu, cơ quan soạn thảo là Bộ LĐ-TB&XH lại đề nghị giữ nguyên quy định như hiện hành. Theo bộ này, mức hưởng 60% mức bình quân tiền lương là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giữ nguyên mức trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành.
Bộ này cũng đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay, người lao động chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với 144 tháng đóng BHTN, thời gian đóng trên 144 tháng không được bảo lưu.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng mức trợ cấp thất nghiệp tối thiểu này là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm. Với quy định thời gian hưởng tối đa được coi là chế độ hỗ trợ ngắn hạn, đồng thời thúc đẩy người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động thông qua các hỗ trợ khác như: tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề…
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm - đơn vị chủ trì soạn thảo dự luật, cho hay mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp là đưa lao động sớm quay lại thị trường nhanh nhất, nếu không làm được thì coi như "thất bại". Việc giới hạn thời gian hưởng được tính toán dựa trên khả năng cân đối của Quỹ.
"Nếu không khống chế thời gian hưởng, lao động chỉ hướng tới khoản trợ cấp mà không tích cực tìm việc làm sẽ ảnh hưởng tới khả năng cân đối của Quỹ. Tiền hưởng chỉ có vậy trong khi tính toán mở rộng các chính sách khác như đào tạo nghề sẽ khiến lao động lẫn chủ sử dụng khó khăn", ông Bình lý giải.
Theo thống kê, giai đoạn 2015-2023, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trả khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2020, có trên 1,087 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6-8% số lao động tham gia BHTN) do đại dịch Covid-19 tác động. Chi trợ cấp thất nghiệp mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng, năm sau cao hơn trước.
Đến hết tháng 3/2024, hơn 7,4 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và khoảng 1,68 triệu lượt người được giới thiệu việc làm. Song số chọn học nghề rất thấp, chỉ hơn 261.600 người và có xu hướng giảm dần trong mấy năm qua.
Thanh Hoa