Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tổng số nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tính đến cuối tháng 6/2017 là 15.425.000 tỷ đồng, gồm nợ BHXH 10.500 tỷ đồng, nợ BHTN 563,4 tỷ đồng và nợ BHYT 4.300 tỷ đồng. Con số này tăng 2.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Hà Nội có giải pháp gì?
BHXH Việt Nam cho biết, thống kê cho thấy, toàn quốc có 23 địa phương có tỷ lệ nợ cao so với tỷ lệ chung toàn ngành (5,4%), tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương.
Cụ thể, Hà Nội có tỷ lệ nợ BHXH, BHYT và BHTN tới 8,0%, Sơn La 7,6%; Gia Lai 7,6%; Bình Thuận 6,9%; Tp.HCM 6,2%. Đặc biệt, nhiều địa phương có tỷ lệ nợ lên tới 2 con số như Bạc Liêu 17,4%; Bình Định 13,6%; Thừa Thiên Huế 10,2%; An Giang 10,0%...
Đối với Tp.Hà Nội, những DN nợ đọng BHXH tập trung trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông, bất động sản, cơ khí, dệt may... Trong 6 tháng đầu năm 2017, BHXH Hà Nội đã chuyển 144 hồ sơ DN nợ BHXH đề nghị Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) khởi kiện, với số nợ là 153.313 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều DN dù trên giấy tờ còn nợ BHXH, nhưng thực tế đã không còn tồn tại từ lâu. Thậm chí, trụ sở và các phương tiện làm việc khác cũng không còn. Trong khi đó, quyền lợi tham gia BHXH của người lao động (NLĐ) trong DN vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, cần có giải pháp để xử lý rốt ráo.
Hiện các cơ quan liên ngành của Hà Nội gồm BHXH, công an thành phố, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ và Cục Thuế đã phối hợp để đưa ra các biện pháp giải quyết, nhằm giảm tỷ lệ nợ BHXH đến cuối năm 2017 xuống dưới 4%.
Trước tình trạng nợ đọng trên, mới đây, Bí Thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận định, tình trạng nợ đọng BHXH ở thành phố lớn vẫn lớn nhất cả nước. Riêng với Hà Nội, muốn quản lý hiệu quả và thu nợ BHXH tốt hơn, điều quan trọng hàng đầu là phải tăng cường phối hợp liên ngành, có sự chia sẻ dữ liệu cơ bản giữa các ngành liên quan để cùng có thông tin, tránh lọt đối tượng.
Để giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm cần nhiều biện pháp được triển khai
Đặc biệt, phải phân loại nợ đọng BHXH ra thành từng nhóm, để có giải pháp phù hợp, đề ra lộ trình và giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, với nhóm DN cố tình chây ỳ nợ đọng, làm trái, vẫn thu tiền BHXH của NLĐ nhưng lại không chịu đóng BHXH - tức chiếm dụng tiền bất hợp pháp của NLĐ, thì phải xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố hình sự.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Phụ trách BHXH Hà Nội, đề nghị không đưa DN nợ BHXH vào diện xem xét tôn vinh và khen thưởng; tham gia dự thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Thực tế, hiện nay dù còn nợ hoặc trốn đóng BHXH, chưa thực hiện trách nhiệm với NLĐ theo pháp luật, nhưng nhiều DN vẫn tham gia vào đấu thầu, thậm chí còn được khen thưởng. Chính vì vậy, đề xuất của BHXH Hà Nội nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều DN chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật BHXH.
Cần thực hiện nhiều giải pháp
Trước đó, ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH Tp.HCM, cũng cho biết, dù việc khởi kiện DN chiếm dụng, nợ đọng BHXH kéo dài gặp bế tắc, song với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, BHXH Tp.HCM đã thu hồi được một số nợ đáng kể.
Cụ thể, ông Sang cho biết, giải pháp đầu tiên là gửi thư nhắc nhở đến các chủ nợ BHXH từ 3 tháng trở lên. Nếu đơn vị nào tiếp tục chây ỳ sẽ ra quyết định và tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị không khắc phục nợ. Bên cạnh đó, hàng tháng, BHXH Tp.HCM cử cán bộ đến trực tiếp DN đôn đốc, đối chiếu công nợ, gửi thư cảnh báo công nợ đến chủ DN, lập danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 100 triệu đồng trở lên, chuyển sang cơ quan thuế để làm căn cứ không giải quyết khấu trừ chi phí DN...
Về phía BHXH Việt Nam, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng tình, để giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm cần nhiều biện pháp được triển khai, trong đó có việc khởi kiện đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT cần thực hiện quyết liệt.
Tuy nhiên, đến nay chưa có vụ kiện nào được đưa ra xét xử. Nguyên nhân là do những người phụ trách liên đoàn cơ sở thường là kiêm nhiệm, cũng là người làm thuê và nhận tiền lương của DN, việc để họ đứng ra để kiện DN của mình rất khó. Do vậy, phải tháo gỡ “nút thắt” từ đây.
Vì vậy, BHXH Việt Nam xác định, để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài, từ năm 2017, BHXH đã công bố, công khai danh sách các đơn vị, DN nợ đóng và đặc biệt là nợ đóng kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với việc ngành BHXH hiện đại hóa hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng sổ BHXH điện tử, NLĐ có thể cập nhật bất cứ lúc nào tình hình đóng BHXH của mình và hoàn toàn có quyền đối thoại yêu cầu chủ sử dụng phải đóng, nếu chưa được đóng bảo hiểm.
Ngoài ra, BHXH sẽ tăng cường đôn đốc cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng.
Thy Lê